Cần Thơ ưu tiên phát triển các dự án quan trọng sau sáp nhập

Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương kiện toàn, ổn định bộ máy tổ chức, xác định các nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên triển khai những dự án, công trình trọng điểm sau sáp nhập.

Chiều 7/7, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ làm việc với Sở Xây dựng về tình hình hoạt động của đơn vị sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát những dự án đang thực hiện ở 3 địa phương cũ.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát những dự án đang thực hiện ở 3 địa phương cũ.

Khó khăn bước đầu

Báo cáo Phó chủ tịch, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, đơn vị cơ bản bố trí xong phòng làm việc cho Ban giám đốc. Tuy nhiên, một số chuyên viên văn phòng vẫn phải làm việc tạm tại phòng họp. Nguyên nhân là số lượng công chức và người lao động tập trung về Cần Thơ sau sáp nhập tăng đột biến, trong khi công tác sửa chữa trụ sở và bố trí chỗ làm việc chưa hoàn tất.

Theo ông Tùng, để đáp ứng yêu cầu làm việc trước mắt, thành phố chỉ bố trí kinh phí sửa chữa cho mỗi trụ sở không quá 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy trình đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do còn vướng thủ tục sau sáp nhập.

Vì vậy, trước mắt chỉ có thể bố trí tạm thời tại các phòng hiện có, không qua sửa chữa. Trong khi đó, trụ sở được bố trí thêm cho đơn vị là công trình cũ, đã xuống cấp nghiêm trọng, không đủ kinh phí để cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn hiện tại.

Về việc bố trí nhà công vụ cho cán bộ, Sở Xây dựng đã hoàn thành đề xuất cải tạo, sửa chữa tại một số địa điểm gồm: Nhà khách Tây Nam Bộ, nhà khách số 2 và dãy nhà công vụ phía sau trụ sở Thành ủy. Đây là các phương án được đưa ra nhằm bố trí chỗ ở công vụ cho cán bộ sau sáp nhập. Thành phố đã giao Ban Quản lý dự án dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư để thực hiện các bước tiếp theo.

"Công chức thuộc Sở Xây dựng Hậu Giang và Sóc Trăng cũ phần lớn có nơi ở ổn định tại địa phương, nay phải di chuyển đến nơi làm việc mới ở TP Cần Thơ, khoảng cách khá xa so với chỗ ở hiện tại nên việc bố trí nơi ở mới là vấn đề được công chức và người lao động đặc biệt quan tâm. Hiện chưa có nhà công vụ, đồng thời cũng chưa có cơ chế hỗ trợ chi phí lưu trú, đi lại để cán bộ yên tâm công tác và làm việc," ông Tùng nói thêm.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ.

Sớm thống nhất 3 dự án thành phần cao tốc trục ngang

Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 188km, với tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng. Công trình được chia thành bốn dự án thành phần vận hành độc lập. Trước khi sáp nhập, các dự án thành phần 2, 3, 4 lần lượt do TP Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng (cũ) đảm nhiệm.

Cụ thể, dự án thành phần 2 dài hơn 37km với tổng mức đầu tư khoảng 9.845 tỷ đồng; dự án thành phần 3 dài hơn 36km, tổng mức đầu tư 9.927 tỷ đồng; dự án thành phần 4 dài hơn 58,4km với tổng mức đầu tư khoảng 11.120 tỷ đồng.

Liên quan việc triển khai dự án sau khi sáp nhập, ông Lê Tiến Dũng – Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ – cho hay, UBND TP Cần Thơ là cơ quan chủ quản.

Để đảm bảo tiến độ hoàn thành toàn dự án vào tháng 6/2026 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Dũng kiến nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các chủ đầu tư sớm rà soát lại tiến độ và xem xét phương án chuyển đổi giải pháp xử lý đất yếu, từ đắp gia tải cát sang sử dụng cọc xi măng – đất cho cả ba dự án thành phần.

"Dự án đường Vành đai phía Tây – công trình trọng điểm của thành phố – đang triển khai thi công nhưng gặp vướng mắc trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư để tiếp tục thực hiện các hạng mục tiếp theo. Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP xem xét thông qua phương án để dự án tiếp tục được triển khai thi công", ông Dũng đề xuất.

Theo ông Lê Tiến Dũng, sau sáp nhập, UBND TP Cần Thơ là cơ quan chủ quản của 3 dự án thành phần cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Theo ông Lê Tiến Dũng, sau sáp nhập, UBND TP Cần Thơ là cơ quan chủ quản của 3 dự án thành phần cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm sau sáp nhập

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ với khó khăn mà Sở Xây dựng gặp phải trong giai đoạn đầu sau khi sáp nhập hai tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang về TP Cần Thơ.

Phó chủ tịch UBND TP yêu cầu toàn thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động của Sở Xây dựng phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, nhanh chóng ổn định nơi làm việc và chỗ ở cho đội ngũ cán bộ từ Hậu Giang và Sóc Trăng chuyển về.

Ông Nguyễn Văn Hòa cũng chỉ đạo Sở Xây dựng sớm kiện toàn cơ cấu tổ chức Ban giám đốc; phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc và cán bộ theo đề án đã được UBND TP phê duyệt; đồng thời kiện toàn Văn phòng Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ.

Cùng đó, Sở Xây dựng được giao rà soát, tổng hợp toàn bộ công việc, các dự án đang triển khai của ba địa phương cũ, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên nguồn lực cho những công trình trọng điểm.

Phó chủ tịch UBND TP cũng đề nghị khẩn trương đề xuất phương án phân cấp quản lý các công trình giao thông, đường thủy, cảng nội địa... sao cho phù hợp quy mô mới của thành phố sau sáp nhập.

Đối với các kiến nghị tại buổi làm việc, ông yêu cầu Sở Xây dựng tổng hợp, trình UBND TP xem xét và cho ý kiến chỉ đạo.

"Riêng với 4 dự án thành phần cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, sau sáp nhập, các dự án thành phần 2, 3, 4 sẽ được gom lại thành một dự án thống nhất. UBND TP sẽ làm việc với các chủ đầu tư để điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu", ông Hòa nhấn mạnh.

Trước khi sáp nhập, Sở Xây dựng TP Cần Thơ đã tham mưu hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức lập các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến nông sản Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó, Khu 1 - Bình Thủy là 50ha; khu 2 Cờ Đỏ là 200ha; phân khu 1/2000 khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao Ô Môn; phân khu 1/2000 cụm cảng, kho bãi phường Phước Thới và Thới An; chi tiết 1/500 khu logistics Thốt Nốt và Cái Cui.

Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang đã trình phê duyệt đồ án quy hoạch chung thị xã Long Mỹ đến năm 2045; ban hành quy định quản lý KCN Tân Hòa (Châu Thành A); phê duyệt điều chỉnh lần 2 quy hoạch chi tiết KDC phường IV (Vị Thanh) và xã Vị Đông (Vị Thủy)…

Còn Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng cũng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch KDC 5A - Mạc Đĩnh Chi; đề xuất lập quy hoạch nút giao vòng xoay tránh QL1 - QL60 - Võ Văn Kiệt…

Lê An

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/can-tho-uu-tien-phat-trien-cac-du-an-quan-trong-sau-sap-nhap-192250707181526044.htm