Cao Bằng tự hào góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên kỳ tích mùa xuân 1975 - Bài 11
Bài 11: Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ haiThất bại trong 'Chiến tranh cục bộ', đế quốc Mỹ chuyển sang tiến hành chiến lược 'Việt Nam hóa chiến tranh' nhằm làm chuyển biến tình hình có lợi cho chúng. Thực chất, đây là thủ đoạn 'dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam' với đô la, vũ khí và trang bị của Mỹ, do Mỹ trực tiếp chỉ huy. Để thực hiện được ý đồ thâm độc đó, chúng gấp rút củng cố ngụy quyền, phản kích dữ dội vào các vùng giải phóng, tăng cường đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh hòng ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam. Trong tình hình mới, miền Bắc vừa phải ra sức khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa chuẩn bị mọi mặt để đối phó với âm mưu tiếp tục mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Ngay sau khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng cùng cả nước tranh thủ thời gian khẩn trương, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống. Từ ngày 31/1 đến 9/2/1969, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ VII đã được tiến hành trọng thể và kết thúc tốt đẹp. Đại hội xác định phương hướng nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Trong lúc nhân dân các dân tộc Cao Bằng đang hăng hái lao động sản xuất thì được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Thực hiện di chúc của Bác Hồ kính yêu, nén đau thương thành hành động cách mạng, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc đoàn kết một lòng, nguyện đem hết sức mình xây dựng hậu phương vững mạnh, đắc lực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước theo ý nguyện của Người.
Trong sản xuất nông nghiệp, năm 1969, thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài, nông dân chuyển đổi khá nhiều diện tích gieo cấy lúa sang trồng màu và đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi. Nhờ đó, sản lượng lương thực quy thóc vẫn đảm bảo, tuy có giảm so với năm trước. Bước sang năm 1970, mặc dù gặp không ít khó khăn về thời tiết, song, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự quyết tâm chỉ đạo của ngành nông nghiệp, đã khơi dậy mạnh mẽ phong trào sản xuất, tập trung thực hiện các giải pháp kỹ thuật tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Vì thế, Cao Bằng được mùa lớn, sản lượng lương thực quy thóc đạt 108.408 tấn, vượt chỉ tiêu kế hoạch 35%, tăng hơn năm 1969 là 29.390 tấn; một số cây trồng đạt sản lượng cao, như đỗ tương tăng 40% so với kế hoạch đề ra. Những năm 1971 - 1972, tỉnh tiến hành quy hoạch xong vùng lúa, thuốc lá tập trung ở 18 xã thuộc hai huyện Hòa An và Hà Quảng. Chăn nuôi vẫn được duy trì, phát triển tốt, đàn trâu, bò, ngựa và đàn lợn đều tăng trưởng hằng năm. Công tác định canh, định cư được quan tâm thực hiện gắn với việc củng cố xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Đến năm 1972, đã có 80% hộ trong toàn tỉnh vào hợp tác xã.

Vùng trồng thuốc lá tập trung xã Nam Tuấn (Hòa An). Ảnh Thế Vĩnh
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển. Tổng giá trị sản lượng công nghiệp quốc doanh năm 1970 tăng 9,1%, thủ công nghiệp tăng 1,9% so với năm 1969. Năm 1971, tổng giá trị sản lượng công nghiệp tăng 9,3% so với năm 1970. Ngành thai thác khoáng sản phát triển mạnh, nhất là mỏ thiếc Tĩnh Túc. Trong ba năm từ 1970 đến năm 1972, các nhà máy, xí nghiệp quan tâm đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tạo nên năng xuất, chất lượng mới, tổng giá trị sản lượng công nghiệp tăng trung bình mỗi năm từ 5% đến 10% so với năm trước.
Trong công tác thương nghiệp đã có nhiều chuyển biến tiến bộ đối với việc thu mua hàng hóa nông, lâm sản. Tổng giá trị thu mua trong năm 1970 đạt 4.708.000 đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 1966; giá trị xuất khẩu đạt 600.000 đồng.
Về giao thông vận tải, phong trào làm đường nông thôn được quan tâm thường xuyên. Năm 1970, làm mới và mở rộng đường loại A được 546 km, đường loại B đạt 530 km, làm đường xương cá được 513 km. Một số huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thạch An kết hợp chương trình định canh, định cư để làm đường liên xã, liên thôn, bản, làm cầu treo, tạo điều kiện đi lại cho nhân dân địa phương. Từ năm 1971 - 1972 phong trào làm đường nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh, điển hình là các huyện Quảng Hòa, Hòa An. Phương tiện giao thông vận tải được tăng lên mỗi năm. Đến năm 1972, toàn tỉnh có 6.394 xe các loại với 198 tổ vận tải; số xe do súc vật kéo là 937 chiếc. Ngành giao thông - vận tải chuyên chở được 163.509 tấn hàng hóa, trong đó, Công ty vận tải ô tô chở được 66.465 tấn. Năm 1972, nguy cơ địch mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 ở miền Bắc đang đến gần, thực hiện chủ trương của tỉnh, ngành giao thông - vận tải chuẩn bị lực lượng đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống và khẩn trương vận chuyển máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất vào nơi sơ tán an toàn, tiếp tục sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.
Đối với công tác văn hóa - xã hội, sự nghiệp giáo dục của tỉnh tiếp tục được củng cố và phát triển. Hệ thống trường, lớp được quan tâm xây mới. Năm học 1969 - 1970 có 1.880 lớp với 59.517 em; năm học 1971 - 1972, có 2.141 lớp với 60.275 em. Lực lượng giáo viên được tăng cường, năm học 1968 - 1969 toàn tỉnh có 1.808 thầy, cô giáo; đến năm học 1971 - 1972 đã có 2.155 giáo viên. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh nên tỷ lệ tốt nghiệp cuối cấp còn thấp. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được chú trọng. Mạng lưới y tế xã tiếp tục được mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa, vùng rẻo cao hẻo lánh. Năm 1972, số trạm xá được xây dựng mới tăng 9%, trang thiết bị y cụ tăng 27% so với năm 1971. Vì thế, hiệu quả khám chữa bệnh cho nhân dân cũng tăng lên 20%, số người điều trị khỏi bệnh tăng 10%. Các cơ sở y tế đông y cũng được tăng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Công tác văn hóa luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đoàn Văn công của tỉnh không ngại khó khăn gian khổ, ác liệt, xung phong vào chiến trường miền Nam, đem lời ca tiếng hát quê hương động viên, cổ vũ bộ đội, thanh niên xung phong, các lực lượng vũ trang dọc tuyến đường Trường Sơn. Đoàn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Phong trào cách mạng của quần chúng và các tổ chức đoàn thể sôi nổi trong những năm tháng hào hùng của dân tộc. Đoàn thanh niên tỉnh phát động cuộc vận động “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, khơi dậy mạnh mẽ phong trào “Ba sẵn sàng”, lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ. Hội Liên hiệp Phụ nữ dấy lên phong trào “Ba đảm đang”, “Giáo dục đạo đức người phụ nữ mới”. Động viên chồng, con gia nhập lực lượng vũ trang, xung phong vào chiến trường chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên đoàn viên, hội viên thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
Công tác quốc phòng - an ninh luôn được các cấp ủy quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Bị thua đau trên chiến trường miền Nam, tháng 3/1972, đế quốc Mỹ điên cuồng trở lại ném bom bắn phá miền Bắc lần thứ hai với quy mô và cường độ ác liệt hơn. Cuối năm 1972, chúng dùng cả máy bay B52 ném bom rải thảm Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác ở miền Bắc. Riêng Cao Bằng có 49 lần máy bay Mỹ trinh sát những nơi địa bàn xung yếu, kho tàng, nhà xưởng, bến bãi. Trước tình hình đó, các đơn vị lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ thường xuyên được củng cố tăng cường, sẵn sàng chiến đấu cao. Công tác phòng không nhân dân được đẩy mạnh. Chỉ sau thời gian ngắn, quân dân Cao Bằng hình thành hệ thống hầm hào, ụ pháo và các phương án tác chiến đánh địch trên không. Các đợt tuyển quân đều đạt và vượt chỉ tiêu giao, riêng đội ngũ đi B đạt 104%. Lúc này, toàn tỉnh đã có 500 gia đình có từ 3 đến 6 con đi bộ đội. Lực lượng thanh niên gia nhập quân đội chiếm tới 6,28% dân số. Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần vào chiến thắng không lực Hoa Kỳ, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ 12 ngày đêm trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, buộc chính phủ Mỹ phải trở lại bàn đàm phán tại Hội nghị Pari.
Những năm 1969 - 1972, cùng với cả nước, quân và dân Cao Bằng ra sức khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam đi tới ngày toàn thắng.