Cao nguyên lan tỏa phong trào xây dựng đời sống văn hóa

Về các thôn, làng ở vùng cao nguyên Gia Lai, có thể bắt gặp nhiều con đường sạch đẹp, những hàng rào hoa khoe sắc, cổng chào khang trang, những sân nhà văn hóa rộn rã tiếng cười.

Tất cả đã và đang minh chứng cho tác động tích cực, mạnh mẽ từ phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa.

 Đội cồng chiêng xã biên giới Ia O trình diễn cồng chiêng phục vụ người dân và du khách tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (cũ) năm 2024. Ảnh: Đinh Yến

Đội cồng chiêng xã biên giới Ia O trình diễn cồng chiêng phục vụ người dân và du khách tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (cũ) năm 2024. Ảnh: Đinh Yến

Chiều xuống, sân nhà rông làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) vang tiếng cười đùa của trẻ nhỏ, tiếng hò reo cổ vũ những trận bóng đá sôi nổi. Các chị em tranh thủ tập thể dục, quét dọn đường làng, ngõ xóm sau một ngày lao động. Ông Thiên, Trưởng thôn Ia Nueng, phấn khởi chia sẻ: Bà con hưởng ứng phong trào xây dựng làng văn hóa rất tích cực. Không chỉ vệ sinh môi trường, làm đẹp đường làng, mọi người còn đoàn kết giữ gìn ANTT, xây dựng nếp sống văn minh. Khuôn viên nhà rông của làng được sửa sang khang trang, trồng thêm cây xanh, đặt ghế đá… thu hút nhiều bà con đến sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các buổi hội họp, sinh hoạt của các CLB dệt thổ cẩm, cồng chiêng, múa xoang…

Còn ở xã biên giới Ia O, các tuyến đường liên thôn đã được bê tông hóa, hai bên trồng hoa rực rỡ, có đèn điện chiếu sáng ban đêm. Mô hình “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) được Hội LHPN xã triển khai đến các hội viên thực hiện nghiêm túc, tình trạng vứt rác bừa bãi dần không còn.

Ông Siu Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O, cho biết: “Nhờ công tác tuyên truyền thường xuyên, người dân đã hiểu và tự giác chung tay xây dựng môi trường sống văn hóa. Qua đó, vừa nâng cao chất lượng đời sống, vừa giữ gìn bản sắc truyền thống, tạo bộ mặt mới cho xã biên giới”.

Không chỉ bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan, nhiều địa phương còn đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hóa. Tại xã Ia Hrung, hàng trăm hộ gia đình cam kết không vi phạm pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, phát huy tinh thần tương trợ lẫn nhau trong sản xuất và sinh hoạt. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa của xã duy trì ở mức trên 95%.

Phong trào thôn, làng, tổ dân phố văn hóa còn trở thành động lực lớn để bà con bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tại xã Ia Dơk, các thôn, làng thường xuyên tổ chức lễ hội truyền thống, ngày hội đại đoàn kết, giao lưu thể thao, văn nghệ.

Ông Siu Luynh, Bí thư Đảng ủy xã Ia Dơk, cho biết: “Các hoạt động này không chỉ gắn kết cộng đồng mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số”

Nhiều địa phương còn linh hoạt lồng ghép, gắn kết các tiêu chí về nhà ở, môi trường, chất lượng đời sống của chương trình xây dựng nông thôn mới với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tạo sức lan tỏa sâu rộng, đạt hiệu quả bền vững. Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho hay: Việc xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa không chỉ công nhận danh hiệu, gắn biển là thôi mà còn phải duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng; khuyến khích người dân đề xuất các mô hình mới, cách làm sáng tạo phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Thực tế cho thấy nhiều thôn, làng đã thành lập đội tự quản an ninh, tổ bảo vệ môi trường, đội văn nghệ quần chúng; những mô hình này đã tăng cường sự gắn kết, đồng thời còn góp phần phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa.

“Có thể nói, phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đang thực sự thổi bừng sức sống mới trên khắp các vùng quê Gia Lai. Từng tuyến đường sạch đẹp, từng vườn hoa rực rỡ… góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đồng thời thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm và niềm tự hào của người dân trong việc chung tay xây dựng, phát triển quê hương”, bà Hương nhấn mạnh.

ĐINH YẾN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cao-nguyen-lan-toa-phong-trao-xay-dung-doi-song-van-hoa-post560598.html