Cấp bách cuộc chiến chống ô nhiễm không khí
Tình trạng ô nhiễm không khí đang trở nên đáng báo động, khi hơn một nửa số quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với mức độ ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn, gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. WHO kêu gọi tăng cường kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm, nhằm bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái toàn cầu.
Khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí là sự xuất hiện của các loại bụi, bụi mịn, bụi siêu mịn hoặc các khí gây ô nhiễm như CO, SO2, NO2. Tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ. Đặc biệt, có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhất là nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và chậm phát triển. Các hóa chất độc hại và bụi siêu mịn trong không khí ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến phổi, mà còn gây hậu quả nghiêm trọng cho hệ tim mạch. Các hạt bụi mịn có thể đi vào máu, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và gây xơ cứng động mạch.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, khiến khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu.
Mới đây, Báo cáo Chất lượng Không khí Toàn cầu năm 2024 của IQAir - công ty giám sát chất lượng không khí có trụ sở tại Thụy Sĩ - công bố ngày 11-3 cho thấy một thực trạng đáng lo ngại: Hơn một nửa số quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với mức độ ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn mà WHO đã đề ra. Chỉ có 7 quốc gia trên thế giới, gồm Australia, New Zealand, Bahamas, Barbados, Grenada, Estonia và Iceland, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng không khí của WHO trong năm 2024. Trong số những nước có tình trạng ô nhiễm không khí phức tạp, Cộng hòa Chad là quốc gia ô nhiễm nhất với mức độ khói bụi trung bình cao gấp 15 lần so với tiêu chuẩn của WHO. Ngoài ra, 4 quốc gia khác có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới là Bangladesh, Pakistan, CHDC Congo và Ấn Độ.

Người dân tập yoga vào sáng sớm dưới lớp sương mù dày bao phủ thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Getty
Các chuyên gia cảnh báo, biến đổi khí hậu đang góp phần làm trầm trọng thêm ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Nhiệt độ cao hơn là một trong những nguyên nhân gây ra các đợt cháy rừng nghiêm trọng và kéo dài, đặc biệt ở Đông Nam Á và Nam Mỹ. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí cũng vì thế mà gia tăng.
Ở khu vực Đông Nam Á, tình hình ô nhiễm không khí tại Jakarta (Indonesia) và các khu vực lân cận hiện đang đặt ra nhiều thách thức. Theo báo cáo IQAir năm 2024, Indonesia đứng thứ 15 trong số 20 quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, với chỉ số bụi mịn PM2.5 trung bình là 35,5 microgam/m³.
Tình trạng ô nhiễm không khí cũng diễn ra nghiêm trọng ở Thái Lan, nhất là ở phía Bắc, khi nông dân đốt rơm rạ để cho mùa vụ tiếp theo. Theo IQAir, chỉ số chất lượng không khí tại Mae Hong Son (tỉnh miền Bắc Thái Lan) cao hơn 7,9 lần so với mức khuyến cáo của WHO. Chính phủ Thái Lan từ đầu năm nay đã ra lệnh cấm đốt rơm rạ cuối vụ và xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Chính sách của các nước
Một số thành phố như Bắc Kinh (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc) và Rybnik (Ba Lan) đã áp dụng chính sách hạn chế khí thải từ phương tiện giao thông và nhà máy, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, phát triển giao thông công cộng. Nhờ đó, chất lượng không khí đã được cải thiện đáng kể.
Tại London (Anh), chất lượng không khí đã cải thiện mạnh sau khi áp dụng vùng phát thải cực thấp (Ulez) tại trung tâm thành phố và các quận ngoại thành. Nghiên cứu của chính quyền thành phố cho biết, kể từ khi triển khai Ulez vào năm 2019, nồng độ khí NO2 ven đường - một loại khí độc làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, cản trở sự phát triển của phổi và tăng nguy cơ ung thư phổi - đã giảm 27% trên toàn khu vực thủ đô. Trong khi đó, lượng bụi mịn PM2.5 từ khí thải xe cộ đã giảm 31% ở các khu ngoại ô so với hơn 1 năm trước. Chất lượng không khí cũng được cải thiện tại 99% các điểm giám sát trên khắp London. Trước khi áp dụng Ulez, London ghi nhận khoảng 4.000 ca tử vong sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí.
Năm 2023, Trung Quốc đã ra khỏi danh sách top 10 quốc gia ô nhiễm nhất thế giới bằng phát động "cuộc chiến xanh" trên cả nước nhằm đẩy lùi ô nhiễm không khí. Một trong những chính sách quan trọng mà nước này áp dụng là đẩy mạnh công nghiệp xe điện và thay thế taxi xăng dầu bằng taxi thuần điện.
Tiếp nối thành công đó, tháng 2 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một mục tiêu đầy tham vọng: Cơ bản loại bỏ tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào năm 2025. Theo Vụ trưởng Vụ Môi trường khí quyển, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Lý Thiên Uy cho biết, để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và giảm phát thải, cải thiện hệ thống dự báo chất lượng không khí và cảnh báo sớm, đồng thời tăng cường công tác quản lý phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm bụi mịn PM2.5 và ô nhiễm khí quyển.

Chất lượng không khí ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Ảnh: THX
Để giảm thiểu khí thải từ các phương tiện, Trung Quốc đẩy mạnh việc hoàn thiện và điều chỉnh các tiêu chuẩn phát thải phù hợp với quy định và tiêu chuẩn quốc tế; nâng tỷ lệ sử dụng phương tiện và máy móc sử dụng năng lượng sạch tại các sân bay, cảng biển và khu công nghiệp logistics. Ngoài ra, nước này cũng đẩy nhanh việc chuyển đổi vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt và đường thủy.
Từ năm 2002, các nước ASEAN cũng đã ký kết hiệp định về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP). Trung tâm điều phối ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (ACC THPC) cũng được thành lập tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 (2023), nhằm hướng tới mục tiêu khu vực không khói mù vào năm 2030.
Tại Indonesia, chính phủ nước này đang tập trung nỗ lực vào việc giảm thiểu khí thải từ các phương tiện giao thông, bằng cách kiểm soát khí thải đối với các phương tiện, nhất là xe chở hàng và xe kéo, xử phạt những xe không tuân thủ quy định. Nước này cũng đang tìm kiếm nguyên liệu thân thiện môi trường thay thế than tại các nhà máy điện.
Tại Pakistan, chính quyền tỉnh Punjab tiến hành trợ cấp cho nông dân để ngăn chặn việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí; cam kết tăng cường các quy định về khí thải đối với hàng chục nghìn nhà máy và hơn 8.000 lò gạch; giảm khí thải từ phương tiện giao thông và chuyển sang nhiên liệu sạch, tăng thị phần xe ô tô điện vào năm 2030.