Cập nhật chương trình đào tạo: Đưa sinh viên vào 'cuộc đua' công nghệ

Với chu kỳ 2 năm phải cập nhật chương trình đào tạo/lần, các cơ sở giáo dục đại học đang gặp nhiều thách thức với sự thay đổi của công nghệ và thị trường.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh minh họa: INT

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh minh họa: INT

Tái cấu trúc chương trình đào tạo

Đại học Duy Tân vừa quy hoạch lại toàn bộ chương trình đào tạo để giảng dạy và huấn luyện bắt buộc các kỹ năng trí tuệ nhân tạo (AI) và kiến thức khởi nghiệp cho tất cả sinh viên từ khóa tuyển sinh năm 2025. Trong đó, trường tập trung vào 3 nhóm kỹ năng, gồm Kỹ năng số và Kỹ năng tư duy AI; Kỹ năng mềm và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đạo đức nghề nghiệp và đào tạo đạo đức AI.

Ông Nguyễn Gia Như - Hiệu trưởng Trường Công nghệ Kỹ thuật, Đại học Duy Tân cho biết: Đối với sinh viên không thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin sẽ có ít nhất 3 tín chỉ bắt buộc liên quan đến AI và từ 1 đến tối đa 3 tín chỉ AI chuyên sâu phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Năm đầu tiên, các em học AI cơ bản và ứng dụng để biết cách dùng AI vào việc học, nghiên cứu cũng như đạo đức khi sử dụng AI. Tiếp theo, trường cung cấp nội dung AI chuyên ngành. Ví dụ sinh viên khối kinh tế, quản trị sử dụng AI để phân tích thị trường, dự báo xu hướng và tự động hóa báo cáo, marketing số tự động...

Nghĩa là sinh viên sẽ dùng AI để xử lý các công việc chuyên môn. Nhưng phải đến năm thứ 3 - 4, khi các kiến thức cơ bản về chuyên ngành đã vững, sinh viên mới bắt đầu học về ứng dụng AI chuyên ngành. Đối với sinh viên các khóa tuyển sinh trước năm 2025, Đại học Duy Tân sẽ bổ sung nội dung đào tạo dần để đảm bảo sinh viên được trang bị đầy đủ khi tham gia thị trường lao động trong tương lai.

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cũng tổ chức tập huấn Ứng dụng AI trong học tập và phát triển kỹ năng cho sinh viên. Ông Trịnh Công Duy - giảng viên khoa Công nghệ thông tin chia sẻ: “AI không chỉ giúp sinh viên học nhanh hơn, mà còn phát triển các kỹ năng mềm như sáng tạo, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề - những yếu tố then chốt cho sự thành công trong tương lai”.

Sau buổi tập huấn, Vũ Hoàng Quân (sinh viên năm 4, Khoa Xây dựng Công trình thủy) được mở ra một góc nhìn mới về cách AI có thể đồng hành trong hành trình học tập và phát triển bản thân. Không chỉ học được cách sử dụng AI để tối ưu hóa việc ôn tập, Quân còn nhận ra các công cụ AI ngày nay có thể trở thành “người cố vấn ảo” giúp luyện tập kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện và quản lý thời gian hiệu quả hơn.

“Đây thực sự là một trải nghiệm bổ ích và truyền cảm hứng, đặc biệt với sinh viên đang chuẩn bị bước vào thị trường việc làm như em”, Quân chia sẻ.

 Thiết bị thực hành công nghệ mới của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng do doanh nghiệp hỗ trợ. Ảnh: NTCC

Thiết bị thực hành công nghệ mới của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng do doanh nghiệp hỗ trợ. Ảnh: NTCC

Kỹ năng nghề nghiệp đi đôi kỹ năng số

Ông Thái Kim Phụng - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của công nghệ, khi nhu cầu tuyển dụng chuyển dịch từ kỹ năng trung bình sang cao, đặc biệt là năng lực phân tích và quản lý phức tạp.

Tuy nhiên, phía các cơ sở đào tạo hiện chưa theo kịp xu hướng này. Việc trang bị kỹ năng bổ trợ cho người học phù hợp với yêu cầu công nghệ mới còn chậm trễ. Trong khi chu kỳ cập nhật chương trình đào tạo diễn ra theo lộ trình hai năm thì công nghệ và thị trường việc làm lại chuyển mình gần như từng ngày. Cấu trúc công việc cũng liên tục biến đổi, đòi hỏi giáo dục và đào tạo phải linh hoạt, cập nhật kịp thời để không bị tụt hậu trong cuộc đua công nghệ.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Gia Như nhận định các trường đại học đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trước sự phát triển của AI. “Thị trường đòi hỏi kỹ năng về AI, học máy, dữ liệu lớn và tự động hóa, khiến sinh viên tốt nghiệp thường thiếu kỹ năng thực tế để làm việc với công nghệ mới mà doanh nghiệp áp dụng. AI đang tự động hóa các công việc truyền thống như nhập liệu, phân tích dữ liệu cơ bản, thậm chí thiết kế và lập trình. Nếu sinh viên không được trang bị kỹ năng mới sẽ khó cạnh tranh với máy móc và đồng nghiệp có trình độ cao hơn”, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Kỹ thuật, Đại học Duy Tân phân tích.

Để ứng phó với tác động của AI, theo ông Nguyễn Gia Như, các trường đại học cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, chương trình đào tạo được cập nhật theo hướng đưa các khóa học về học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), thị giác máy tính và khoa học dữ liệu vào chính khóa, đồng thời tích hợp kỹ năng đa ngành như kết hợp công nghệ với kinh tế, y tế, giáo dục… để sinh viên hiểu và biết áp dụng AI vào thực tế.

Một hướng nữa có thể hỗ trợ các trường đại học cập nhật công nghệ là tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên thực tập trong dự án AI thực tế, mời chuyên gia từ doanh nghiệp giảng dạy; tổ chức hội thảo hoặc hướng dẫn dự án cuối khóa, giúp sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn nắm bắt nhu cầu thực tế, giảm nguy cơ thất nghiệp.

Mối quan hệ hợp tác với các tập đoàn quốc tế uy tín như Samsung, Alibaba, LG, Microsoft, Fore… trong nhiều năm qua đang tạo thuận lợi giúp Đại học Duy Tân thêm năng lực công nghệ trong đào tạo và huấn luyện AI. Điển hình từ năm 2023, Samsung chuyển giao 2 lab và 3 khóa học về AI, IoT, và Big Data thông qua dự án Samsung Innovation Campus (SIC) hay Alibaba Cloud Intelligence đã trao quyền truy cập học thuật trên nền tảng đám mây của Alibaba (AAEP) cho Đại học Duy Tân trong năm 2024.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho rằng, với sự phát triển của AI những năm gần đây, giảng viên cần làm chủ và ứng dụng AI để nâng cao chất lượng giảng dạy, tối ưu hóa công việc và đồng hành cùng sinh viên trong kỷ nguyên số. Vì thế, giảng viên phải được bồi dưỡng, nâng cao năng lực ứng dụng AI trong công tác chuyên môn, giảng dạy, xây dựng, khai thác hiệu quả các nguồn học liệu số.

“Cần sớm xây dựng hệ sinh thái công nghệ trong trường đại học qua đầu tư phòng thí nghiệm AI, hỗ trợ vườn ươm khởi nghiệp để sinh viên biến ý tưởng thành startup, tạo việc làm cho chính họ và bạn bè.

Hệ sinh thái công nghệ này phải tạo môi trường khuyến khích sáng tạo, thực hành, tinh thần khởi nghiệp, giúp sinh viên không chỉ thích nghi mà còn dẫn dắt xu hướng công nghệ tương lai”, ông Nguyễn Gia Như - Hiệu trưởng Trường Công nghệ Kỹ thuật, Đại học Duy Tân cho biết.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cap-nhat-chuong-trinh-dao-tao-dua-sinh-vien-vao-cuoc-dua-cong-nghe-post739105.html