Cây chè trên đất Phiêng Cằm

Ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn có khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây chè. Sản phẩm chè thơm, ngon, nước màu xanh tự nhiên, vị chát dịu, ngày càng được nhiều người biết đến. Cây chè đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân trong xã.

Ông Sùng A Châu, Chủ tịch UBND xã Phiêng Cằm, thông tin: Hiện nay, toàn xã có 25 ha trồng chè, tập trung ở các bản Nong Tầu Mông, Nong Tầu Thái, Huổi Nhả, Phiêng Phụ. Những năm qua, Công ty cổ phần Chè Sơn La đã khôi phục, phát triển diện tích chè, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, vườn chè xanh tạo cảnh quan, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Người dân bản Nong Tầu Thái, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn thu hái chè.

Người dân bản Nong Tầu Thái, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn thu hái chè.

Trước đây, cây chè do Công ty Dịch vụ và Phát triển chè Sơn La liên kết với các hộ dân trong xã đầu tư, sản xuất, chế biến chè. Năm 2002, toàn xã có 20 ha chè giống Kim Tuyên, Bát Tiên, Ô Long, Đài Loan. Năm sau, diện tích chè tăng lên 70 ha. Tuy nhiên, do đường giao thông khó khăn, giá chè thu mua rẻ, nhiều diện tích bị sâu bệnh hại, Công ty đã trả lại đất cho người dân, nhiều hộ phá bỏ cây chè để chuyển sang trồng cây khác. Sau đó, Công ty phá sản, nên Công ty cổ phần Chè Sơn La (doanh nghiệp tư nhân) đã mua lại tài sản và toàn bộ diện tích chè thông qua đấu giá.

Đến thăm xưởng chè của Công ty cổ phần Chè Sơn La đúng vào đợt cao điểm sơ chế chè. Chè búp tươi sau khi thu hái được vận chuyển về nhà xưởng, sơ chế trên dây chuyền rồi chuyển về cơ sở chính của Công ty tại thị trấn Hát Lót để tinh chế, phân loại, tuyển chọn theo nhu cầu của khách hàng và đóng gói. Ông Phùng Như Đoán, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sơn La, cho biết: Sau khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty đã đầu tư nhà xưởng, dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến, khôi phục và duy trì vùng nguyên liệu 20 ha hiện còn. Đồng thời, đầu tư trồng mới thêm 5 ha. Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, chúng tôi quản lý toàn bộ từ giống, quy trình chăm sóc, chế biến đến quyết định ngày thu hái. Cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên về các bản hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khâu nguyên liệu. Năm 2019, toàn bộ 25 ha chè được cấp chứng nhận VietGap. Năm 2021, sản lượng chè búp tươi đạt 200 tấn, thu 40 tấn chè thành phẩm, đa số được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, doanh thu đạt 2 tỷ đồng.

Xưởng sản xuất, sơ chế chè của Công ty cổ phần Chè Sơn La tại xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn.

Xưởng sản xuất, sơ chế chè của Công ty cổ phần Chè Sơn La tại xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn.

Là cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần chè Sơn La, anh Lò Văn Thoan chia sẻ: Hàng ngày, tôi về các bản hướng dẫn các hộ dân chăm sóc, cắt tỉa, phòng sâu bệnh hại cho cây. So với trước dây, người dân có ý thức tuân thủ quy trình sản xuất, kỹ thuật thu hái, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng chè.

Công nhân Công ty cổ phần Chè Sơn La chế biến chè.

Công nhân Công ty cổ phần Chè Sơn La chế biến chè.

Ghé thăm vườn chè của gia đình chị Bạc Thị Thiểng, bản Nong Tầu Thái. Gia đình chị có 2.000 m² chè nguyên liệu của Công ty cổ phần chè Sơn La. Chị Thiểng phấn khởi: So với năm ngoái, năm nay, thời tiết thuận lợi, nên chè lên đều và xanh tốt. Ngoài được Công ty trả tiền thuê đất hàng năm, gia đình tôi còn được trả công hái với giá 5.500 đồng/kg, cùng với công chăm sóc cây chè, nên thu nhập từ chè khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Gia đình tôi còn duy trì nuôi 2 con trâu và 7 con dê, trồng 1 ha mía nguyên liệu cho Công ty Mía đường Sơn La. Trung bình mỗi năm, gia đình tiết kiệm được 60 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí sản xuất và sinh hoạt.

Để chè trở thành cây trồng chính, mang lại thu nhập ổn định, người dân Phiêng Cằm rất mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ phát triển vùng chè nơi đây, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Thu Thảo

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cay-che-tren-dat-phieng-cam-50148