Cha mẹ của đứa trẻ rất thành công làm 9 điều này từ khi con còn bé
Hạn chế khen 'con làm tốt lắm', coi trọng câu hỏi hơn câu trả lời... là những việc phụ huynh làm để giúp con trưởng thành tự tin, an toàn về mặt cảm xúc và kết nối bản thân với thế giới.
![Khi nghĩ về những đứa trẻ thành công, nhiều người hình dung ra những học sinh giỏi toàn diện, những chiếc cúp thể thao và thư mời nhập học. Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chuyên gia nuôi dạy trẻ Reem Raouda (Mỹ) nhận thấy thành công thực sự nằm ở việc nuôi dạy những đứa trẻ tự tin, an toàn về mặt cảm xúc và kết nối bản thân với thế giới xung quanh. Những phụ huynh hiểu được điều này thường áp dụng những phương pháp nuôi dạy con không theo khuôn mẫu, ưu tiên sự tò mò, niềm yêu thích học hỏi và trí tuệ cảm xúc hơn là những kỳ vọng xã hội. Viết trên CNBC, bà Raouda chỉ ra 9 điều họ thường làm ngay từ khi con còn bé.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429900/ada3248b1ec5f79baed4.jpg)
Khi nghĩ về những đứa trẻ thành công, nhiều người hình dung ra những học sinh giỏi toàn diện, những chiếc cúp thể thao và thư mời nhập học. Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chuyên gia nuôi dạy trẻ Reem Raouda (Mỹ) nhận thấy thành công thực sự nằm ở việc nuôi dạy những đứa trẻ tự tin, an toàn về mặt cảm xúc và kết nối bản thân với thế giới xung quanh. Những phụ huynh hiểu được điều này thường áp dụng những phương pháp nuôi dạy con không theo khuôn mẫu, ưu tiên sự tò mò, niềm yêu thích học hỏi và trí tuệ cảm xúc hơn là những kỳ vọng xã hội. Viết trên CNBC, bà Raouda chỉ ra 9 điều họ thường làm ngay từ khi con còn bé.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429900/e4d16af950b7b9e9e0a6.jpg)
1. Họ tự hoàn thiện bản thân: Thay vì chỉ tập trung vào việc dạy dỗ con, những phụ huynh này nhận ra chính họ cũng cần phải phát triển bản thân, đặc biệt là về mặt cảm xúc. Họ hiểu rằng con học hỏi rất nhiều từ hành động của cha mẹ. Nếu cha mẹ luôn lo lắng và căng thẳng, trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng và khó phát triển sự kiên cường. Thay vì chỉ nói với con về cách đối mặt với khó khăn, họ trực tiếp thể hiện điều đó bằng cách bình tĩnh và tự chủ trước những áp lực trong cuộc sống.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429900/73b5fc9dc6d32f8d76c2.jpg)
2. Họ hạn chế nói "con làm tốt lắm": Thường xuyên khen ngợi trẻ bằng câu "làm tốt lắm" có thể khiến trẻ phụ thuộc vào sự khen ngợi từ bên ngoài. Thay vào đó, họ hướng trẻ đến việc tự nhận thức thành quả của mình bằng những câu hỏi như "Con có tự hào về bản thân không?" hoặc "Con đã cố gắng rất nhiều, con cảm thấy như thế nào?". Bằng cách này, họ giúp trẻ phát triển động lực nội tại.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429900/ed44616c5b22b27ceb33.jpg)
3. Họ không trừng phạt con: Thay vì sử dụng hình phạt như đánh đòn, la mắng, họ nhận thức rằng việc trừng phạt con có thể gây ra những hậu quả tiêu cực như sự oán giận, mất niềm tin và làm suy yếu mối quan hệ giữa cha mẹ và con. Thay vào đó, họ để những hậu quả tự nhiên mang lại bài học cho con. Ví dụ, nếu con quên làm bài tập về nhà, chúng phải đối mặt với việc giải thích với giáo viên. Hậu quả tự nhiên này giúp trẻ học được tính trách nhiệm và kỹ năng giải quyết vấn đề.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429900/d49559bd63f38aadd3e2.jpg)
4. Họ không thưởng khi con đạt điểm cao: Thay vì tập trung vào việc khen thưởng thành tích, họ hướng đến việc nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập ở con bằng cách chú ý vào quá trình và sự tiến bộ. Điều này giúp trẻ phát triển niềm đam mê học tập thực sự và tự tin vào bản thân, không bị phụ thuộc vào điểm số để đánh giá giá trị của mình.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429900/16a3948baec5479b1ed4.jpg)
5. Họ tập trung vào mối quan hệ với con cái: Những phụ huynh này cũng hiểu rằng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng. Họ dành thời gian chất lượng cho con, lắng nghe và tạo ra những trải nghiệm chung. Những hành động này giúp trẻ cảm thấy được yêu thương, an toàn và có giá trị trong mắt cha mẹ. Dần dần, chúng sẽ cảm thấy tự tin hơn trong việc khám phá thế giới, chấp nhận rủi ro và phát triển toàn diện.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429900/5a2cd904e34a0a14535b.jpg)
6. Họ coi trọng câu hỏi hơn là câu trả lời: Họ khuyến khích con hỏi "tại sao" và "làm thế nào", thay vì chỉ đơn giản chấp nhận câu trả lời đúng. Điều này giúp trẻ tò mò và muốn tìm hiểu sâu hơn về mọi thứ xung quanh. Việc đặt câu hỏi giúp trẻ phát triển tư duy độc lập, không thụ động chấp nhận thông tin mà chủ động tìm kiếm kiến thức.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429900/988a18a222eccbb292fd.jpg)
7. Họ để con dạy họ điều gì đó: Khi để con giải quyết một bài toán, giải thích một trò chơi yêu thích hoặc chia sẻ về một chủ đề mà chúng am hiểu, cha mẹ đang tạo cơ hội cho con thể hiện khả năng và kiến thức của mình. Những khoảnh khắc này giúp trẻ em cảm thấy được tôn trọng và đánh giá cao. Điều này giúp trẻ phát triển lòng tự trọng và tự tin hơn trong giao tiếp và học tập.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429900/e664674c5d02b45ced13.jpg)
8. Họ biến việc đọc trở thành thói quen hàng ngày: Việc đọc sách không bị coi là nhiệm vụ hay hình phạt, những phụ huynh này tích hợp hoạt động này một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Việc đọc sách thường xuyên giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu đọc sách suốt đời.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_119_51429900/04688240b80e5150081f.jpg)
9. Họ dạy con tôn trọng cảm xúc của chính mình: Khi con cảm thấy buồn, thất vọng, họ không vội vàng dỗ dành hay phủ nhận cảm xúc của trẻ. Họ không coi cảm xúc là điều gì đó cần phải sửa chữa hay tránh né. Đó là một phần bình thường của cuộc sống và cần được tôn trọng. Điều này giúp trẻ học cách chấp nhận, xử lý và điều chỉnh cảm xúc một cách lành mạnh. Khi trẻ được phép trải nghiệm và xử lý cảm xúc của mình, chúng sẽ dần dần phát triển khả năng vượt qua khó khăn và trở lại bình thường sau những trải nghiệm tiêu cực.