Bảo vệ bản thân và gia đình trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm
Hiện nay trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế ghi nhận sự gia tăng số người mắc cúm, một căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do vi-rút cúm gây ra. Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết những thông tin rõ hơn và cách phòng chống căn bệnh này.
Các bác sĩ khuyến cáo tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh cúm hiệu quả nhất.
Theo TS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do vi-rút cúm gây ra. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp và cảm giác khó chịu. Người bệnh thường gặp các triệu chứng nặng hơn cảm lạnh đơn thuần mặc dù bệnh cũng có thể nhẹ. Mức độ diễn biến của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng.
Vi-rút cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi-rút khác sau khi nhiễm cúm làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể. Người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch thường có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn. Tuy nhiên, nhiễm trùng nặng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào có thể trạng sức khỏe tốt. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm là tiêm phòng cúm hằng năm.
Vi-rút cúm có khả năng lây nhiễm ở mức độ trung bình, một người nhiễm bệnh sẽ lây cho một hoặc hai người khác chưa có miễn dịch. Vi-rút cúm có hai cách lây truyền chính. Thứ nhất, qua những giọt bắn lớn, khi người bệnh ho hoặc hắt hơi mà không che miệng và mũi của họ (khiến những người trong phạm vi 1m bị nhiễm bệnh). Đây là lý do tại sao cần che miệng và mũi (tốt nhất là bằng khăn giấy dùng một lần) khi ho hoặc hắt hơi. Các giọt nhỏ hơn ở dạng khí dung có khả năng bay đi xa, nhưng lại ít có khả năng mang vi-rút hơn, do đó thường chỉ những người gần gũi với người bị cúm mới có nguy cơ mắc bệnh. Thứ hai, vi-rút cúm có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp với màng nhầy ở mũi, miệng và cổ họng (như trên tay của những người bị bệnh chà xát mũi của họ). Đó là lý do tại sao vệ sinh tay và sử dụng khăn tay dùng một lần đúng cách rất quan trọng để phòng lây nhiễm.
Người lớn bị cúm có thể lây bệnh cho người khác từ thời điểm một ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng và kéo dài trong khoảng 5-7 ngày. Thời điểm lây lan mạnh nhất là 3-4 ngày đầu tiên của bệnh. Nguy cơ lây nhiễm cho người khác không giống nhau trong suốt thời gian bị bệnh. Khả năng lây nhiễm tăng lên đáng kể khi một người bắt đầu cảm thấy không khỏe và đó là lúc họ dễ lây nhiễm sang người khác nhất. Nguy cơ nhiễm cúm từ một người ngay trước khi họ bị bệnh hoặc sau ba ngày đầu tiên bị bệnh là khá thấp. Do đó, người bệnh cần ở nhà ngay khi có dấu hiệu ốm, đặc biệt trong mùa cúm.
TS Trần Thị Hải Ninh cho biết, để bảo vệ bản thân và gia đình chống lại bệnh cúm, mọi người cần thường xuyên rửa tay để giảm nguy cơ tiếp xúc với vi-rút cúm. Nó cũng bảo vệ chống lại một số bệnh nhiễm trùng khác. Đồng thời bảo đảm vệ sinh đường hô hấp đúng cách (che miệng và mũi bằng khăn giấy dùng một lần khi ho hoặc hắt hơi, sau đó cuộn khăn giấy lại, vứt vào thùng rác có nắp đậy rồi rửa tay bằng xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay). Nếu không khỏe và bị sốt, nhất là những người bị sốt và nhiễm trùng đường hô hấp nên ở nhà; những người bị nhiễm cúm rất dễ lây cho người khác trong giai đoạn đầu của bệnh. Tiêm phòng định kỳ hằng năm nếu được khuyến cáo vì vắc-xin ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng.
Trước tình hình số ca mắc cúm tăng cao, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang tại không gian công cộng như cửa hàng, siêu thị, phương tiện giao thông công cộng và khu vực đông người. Khẩu trang y tế đeo đúng cách sẽ ngăn chặn các giọt bắn chứa vi-rút.
Người mắc cúm bắt buộc đeo khẩu trang để hạn chế lây lan vi-rút. Người dân cần thay khẩu trang hai lần mỗi ngày và thay ngay khi bị ướt. Việc rửa tay bằng xà-phòng và dung dịch sát khuẩn trước và sau khi chạm vào khẩu trang là yêu cầu bắt buộc. Khẩu trang dùng một lần phải được bỏ vào thùng rác có nắp đậy sau khi sử dụng.
Tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp
Ngày 8/2, Bộ Y tế có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Theo đó, chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan quán triệt việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch sởi, bảo đảm tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình.
Mặt khác, theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi-rút; chủ động công tác giám sát, lưu ý việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, các cụm, khu công nghiệp... Bảo đảm công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em... Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị và phòng, chống bệnh truyền nhiễm.