Chăm lo đời sống đồng bào Chăm

An Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống. Những năm qua, Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm hỗ trợ đồng bào Chăm cải thiện về kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. (Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG)

Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. (Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG)

Đồng bào Chăm ở An Giang sống tập trung tại huyện An Phú và thị xã Tân Châu. Theo Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh An Giang Huỳnh Thanh Cư, ở tại khu vực nông thôn tập trung đông đồng bào dân tộc, kết cấu hạ tầng đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh; 100% xã có đường nhựa, bê-tông; 100% xã có trạm y tế, công trình thủy lợi, lưới điện quốc gia hoặc điện nông thôn… Các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai tại tỉnh đã giúp đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.

Đổi thay từ một làng Chăm

Xã Châu Phong, thị xã Tân Châu nằm bên dòng sông Hậu có hơn 3.000 đồng bào Chăm sống tập trung ở 3 ấp: Phũm Soài, Châu Giang và Hòa Long. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Phong Phạm Đăng Thân cho biết: 15 năm trở lại đây, làng Chăm ở ấp Phũm Soài đã thật sự thay đổi diện mạo và một trong những nơi phát triển mạnh là khu đồng bào Chăm được tái định cư do địa phương đầu tư xây dựng. Lúc trước, người Chăm sống ven sông thường đối mặt sạt lở đất. Sau này, có chỗ ở ổn định, không phải lo di dời nhà chạy sạt lở, cho nên đồng bào yên tâm làm ăn, cho con đi học. Phụ nữ Chăm vẫn e ấp với khăn choàng che mặt, nhưng hòa nhập cộng đồng, không sống khép kín mà mở tiệm bán tạp hóa, mở hàng quán kinh doanh các món ăn truyền thống của dân tộc mình.

Đồng chí Phạm Đăng Thân cho biết thêm: Được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, 100% đường giao thông nông thôn, nội đồng đã tráng nhựa và bê-tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Chăm vận chuyển, mua bán hàng hóa nên kinh tế khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,09%.

Làng Chăm Châu Phong có nghề dệt thổ cẩm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo thời gian, chỉ còn vài hộ gắn bó với nghề, nhưng không vì thế mà danh tiếng giảm sút.

Ông Mohamad thuộc thế hệ thứ ba gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, cho biết, nhiều khách đến cơ sở tìm hiểu cách làm ra chiếc khăn rằn họa tiết vân mây rất độc đáo, bởi chỉ còn thợ dệt ở Châu Phong nắm rõ phương thức. Khi chứng kiến thợ ngồi kéo khung dệt lách cách, du khách thích thú với cách dệt cổ xưa, và chọn mua những thứ hàng dệt thổ cẩm mềm mại.

Mới đây, được chính quyền địa phương hỗ trợ, ông Mohamad cùng với 11 hộ Chăm thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng làng Chăm. Hôm chúng tôi đến, một nhóm khách châu Âu đang tìm hiểu nghề dệt và các món ăn truyền thống của người Chăm.

Ông Mohamad tận tình giải đáp cho khách. Ông chia sẻ: Các thành viên của tổ hợp tác mỗi người đều có sản phẩm riêng, cho nên ai nấy đều quyết tâm giữ gìn, quảng bá, khôi phục các nghề truyền thống cũng như tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng; từ đó, giúp du khách được trải nghiệm những khía cạnh riêng có của người Chăm và vùng đất này.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Tân Châu, cùng với hỗ trợ nghề dệt thổ cẩm, thị xã còn hỗ trợ phát triển một số sản phẩm của người Chăm, như tung lò mò (lạp xưởng bò) và lò mò Pđăm (khô bò).

Ông Hứa Hoàng Vũ, hộ Chăm kinh doanh tung lò mò cho biết, từ năm 2012, ông cải tiến sản phẩm cho phù hợp hương vị rồi bán rộng rãi ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Được hỗ trợ làm thủ tục, sản phẩm tung lò mò của ông Vũ đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo ông, tung lò mò được thực khách thích thú vì đây là sản phẩm của riêng vùng Tân Châu, bảo đảm chất lượng. Vào các ngày lễ, ngày Tết người dân, du khách các nơi đặt mua nhiều nên cơ sở phải thuê hơn 15 lao động mới làm đủ sản phẩm cung ứng.

Phát triển du lịch cộng đồng

Từ làng Chăm Châu Phong, chúng tôi đến huyện An Phú qua các làng Chăm của 4 xã Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái, Vĩnh Trường và thị trấn Đa Phước. Thời điểm này là Tháng chay Ramadan của người Hồi giáo Chăm.

Tại các thánh đường, khá đông những người Chăm theo đạo Hồi Islam đến hành lễ. Trong những ngày diễn ra lễ hội quan trọng này, đại diện các cơ quan hữu quan từ trung ương đến địa phương đều thăm hỏi, gửi hoa, quà, và lời chúc tới các vị giáo cả, chức sắc, chức việc trong Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang, ban quản trị các thánh đường, tiểu thánh đường, người có uy tín trong cộng đồng Hồi giáo Islam cùng đồng bào Chăm.

Ông A Fandi, Phó Giáo cả Thánh đường Masjid Ehsan tại làng Chăm Đa Phước cho biết, tháng Ramadan diễn ra trong yêu thương ấm áp. Năm nay, người Chăm vui hơn vì đời sống khấm khá. Tại thị trấn Đa Phước, người Chăm sống tập trung ở ấp Hà Bao 2. Trước đây, đồng bào chủ yếu làm nông nghiệp, đánh bắt thủy sản và sử dụng phương tiện thô sơ. Hiện nay, đồng bào chuyển sang buôn bán, làm dịch vụ và sử dụng phương tiện giao thông hiện đại hơn. Đời sống của đồng bào Chăm chuyển biến rõ rệt.

Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện An Phú Đoàn Thanh Việt cho biết, khu dân cư ấp Bà Hào 2 gồm 180 nền và một ngôi chợ rộng hơn 1.500 m2 dành riêng cho đồng bào Chăm vào sinh sống, buôn bán. Hiện nay, huyện đã định hướng phát triển du lịch vì khu dân cư này là điểm kết nối với làng bè trên ngã ba sông Châu Đốc, các điểm hành lễ Hồi giáo, Nhà truyền thống Chăm, tạo nên mạng lưới điểm du lịch cộng đồng thú vị.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, toàn tỉnh có 2.570 học sinh là người dân tộc Chăm từ hệ mầm non đến trung học phổ thông; các em được miễn học phí, hỗ trợ bảo hiểm y tế theo đúng chính sách quy định.

Theo đồng chí Đoàn Thanh Việt, huyện An Phú có hơn 8.000 đồng bào Chăm, tình hình an ninh trật tự ổn định, ít xảy ra tệ nạn xã hội. Chính quyền phối hợp những người có uy tín tại các làng Chăm thường xuyên vận động đồng bào tham gia giữ gìn biên giới, cột mốc quốc gia; khuyên nhủ người dân không buôn bán hàng cấm, hàng lậu,… Trong thực hiện chính sách dân tộc, huyện đã tập trung sử dụng các nguồn vốn từ Trung ương, của tỉnh và các nguồn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chăm lo công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, giúp đồng bảo ổn định cuộc sống. Huyện An Phú đã xây 14 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở là đồng bào Chăm tại ấp La Ma (xã Vĩnh Trường) và ấp Búng Lớn (xã Nhơn Hội)… Giai đoạn 2024-2029, huyện An Phú phấn đấu chăm lo tốt hơn nữa đời sống đồng bào Chăm với các chỉ tiêu: Mức thu nhập bình quân của người Chăm đến năm 2025 tăng hơn 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào Chăm giảm trên 3%/năm.

Theo ông Haji Jacky, Trưởng ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư thực hiện nhiều công trình phục vụ cho người dân, trong đó có người Chăm như: Hỗ trợ vay vốn, xây cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế, hỗ trợ nhà ở, cụm tuyến dân cư dành cho người dân tộc thiểu số…

Ngoài ra, Đảng và Nhà nước còn ưu tiên các chính sách khác cho đồng bào dân tộc. Từ đó, đời sống tinh thần bà con được nâng lên, có nhiều điều kiện để gia tăng sản xuất, phát triển kinh tế kéo theo những chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất.

THANH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cham-lo-doi-song-dong-bao-cham-post868909.html