Chân – thiện – mỹ trong tranh thờ của đồng bào dân tộc

Tranh thờ giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang. Tranh thờ mang giá trị thẩm mỹ, văn hóa sâu sắc, có tính giáo dục cao, hướng con người đến chân – thiện – mỹ.

 Giới trẻ người Sán Dìu tìm hiểu về tranh thờ và nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc

Giới trẻ người Sán Dìu tìm hiểu về tranh thờ và nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc

Hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang đều có tập tục sử dụng tranh thờ trong các nghi lễ như cấp sắc, lễ cưới, lễ tang và làm các sự việc trọng đại của làng, bản, dòng tộc, gia đình.

Tranh thờ của các dân tộc thường có mặt các vị thần linh tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực siêu phàm tác động đến đời sống tâm linh. Họ sử dụng tranh thờ như vật trung gian để liên lạc giữa con người với thần linh. Các bức tranh thờ thể hiện lòng tôn thờ thánh thần và phản ánh quan niệm khi chết đi con người có cuộc sống tiếp theo ở thế giới khác. Nội dung các bức tranh khá thú vị, những vị thần quan trọng, uy nghiêm, có quyền cao sẽ được vẽ to ở vị trí trang trọng, còn những vị quan nhỏ hơn sẽ được vẽ theo thứ tự phù hợp. Có những bức vẽ đến hơn bảy mươi khuôn mặt.

Anh Bàn Văn Quang, dân tộc Dao, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang) chia sẻ, trong những ngày lễ quan trọng của cuộc đời người Dao như lễ Cấp sắc, Tết nhảy, lễ tang... đều không thể thiếu được tranh thờ. Tranh thờ mang tính răn đe, giáo dục con người - nếu sống trên trần thế mà độc ác, thì khi chết sẽ chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt. Đây là chân lý để đồng bào Dao sống hướng thiện.

Anh Hoàng Xuân Đức, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Thai Bạ, xã Thiện Kế (Sơn Dương) cho biết: Quan niệm của dân tộc Sán Dìu, thế giới có 3 tầng: Tầng trên là thế giới của tổ tiên, các vị thần đức cao, vọng trọng; tầng giữa là nơi người trần mắt thịt tồn tại với hiện thân là con người; tầng dưới là thế giới âm phủ, địa ngục. Tranh thờ của dân tộc Sán Dìu phản ánh sinh động thế giới quan, thời gian trải rộng từ quá khứ tới hiện tại, từ ảo tới thực.

Tranh Tam thanh xuất hiện hầu hết trong nghi lễ của người Sán Dìu

Tranh Tam thanh xuất hiện hầu hết trong nghi lễ của người Sán Dìu

Ví dụ như bộ 3 tranh thờ của đồng bào Sán Dìu gắn liền với vận mệnh của con người nên thường được thầy Tào sử dụng khi gia chủ làm đám chay hoặc thực hành nghi lễ lớn như cấp sắc, dâng sao giải hạn… Qua bức tranh ấy, với những nét giản dị và gần gũi, có thể hình dung một cách cụ thể về các vị thánh, phật mà họ thường ngưỡng vọng, họ gửi gắm mong ước về cuộc sống nhiều may mắn, xua đi những điều xui xẻo trong năm.

Phổ biến hơn cả là bức tranh Tam thanh xuất hiện trong hầu hết các nghi lễ của người Sán Dìu. Ba ông Tam thanh tượng trưng cho 3 vị thánh bảo vệ, che chở dân làng. Trong làng, bản hay gia đình, dòng tộc có việc lớn bé, đều có sự hiện diện của 3 ông Tam thanh thông qua lời khấn của thầy tào. Khi tiếng tù và, chuông, chũm chọe cất lên, thấu tận trời cao, lời mời của dân bản vọng đến ông Tam thanh, các ông sẽ đến tham dự, chứng kiến việc trọng đại, ban phước lành, xua đuổi tà ma, phù hộ công việc thuận lợi.

Anh Đức cho biết thêm, trong văn hóa đồng bào Sán Dìu, chỉ những gia đình có người làm thầy (thầy cúng, thầy Tào…) thì mới treo tranh thờ; các gia đình không có người làm thầy thì chỉ treo khi thực hiện nghi lễ.

Hiện nay, việc vẽ tranh thờ cũng được duy trì trong cộng đồng. Anh Lý Văn Dương, ở xã Ninh Lai năm nay ngoài 30 tuổi đã biết vẽ tranh thờ của đồng bào dân tộc. Anh chia sẻ, vẽ tranh thờ không chỉ đơn thuần là việc chép lại tranh cổ theo mẫu tranh truyền thống mà còn phải truyền được thần qua bức tranh. Muốn vậy, phải am hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc, ý nghĩa sâu sa trong bức tranh cũng như từng nhân vật trong tranh. Do đó, anh đang học làm thầy, để hiểu hơn về cội nguồn dân tộc, từ đó không chỉ lưu truyền tranh thờ trong cộng đồng mà còn gìn giữ nghi lễ truyền thống tốt đẹp bao thế hệ cha ông người Sán Dìu đã truyền lại.

Mới đây, tại Ngày hội văn hóa dân tộc xã Thiện Kế (Sơn Dương), gian hàng trưng bày tranh thờ của dân tộc Sán Dìu thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Điều này cho thấy, văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán luôn có chỗ đứng và giá trị riêng trong cộng đồng người. Và việc lưu giữ, bảo tồn, phát triển cần được thực hiện đa dạng, phong phú, có chiều sâu để văn hóa ngàn đời của dân tộc trường tồn với thời gian.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chan-%E2%80%93-thien-%E2%80%93-my-trong-tranh-tho-cua-dong-bao-dan-toc-202601.html