Chặng nước rút đầu tư công

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, thời gian chỉ còn 2 tháng (tính đến 31/1/2025), để tập trung giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Dù đã có nhiều nỗ lực song ở thời điểm hiện tại, tiến độ giải ngân nguồn vốn này vẫn không được như kỳ vọng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11/2024 vẫn còn 28 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 104 yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, trong đó có việc giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

Giới chuyên gia cho rằng khó khăn chủ yếu đến từ 3 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất, các vướng mắc về thể chế, chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Các quy định về đầu tư công, giải phóng mặt bằng hay sử dụng vốn ODA vẫn còn nhiều bất cập, khiến quy trình triển khai kéo dài. Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các dự án giao thông trọng điểm. Các vướng mắc về đất đai, đền bù, tái định cư làm chậm tiến độ khởi công và thi công. Thứ ba, tình trạng thiếu nguyên vật liệu, nhất là cát san lấp, tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dự án xây dựng.

Kế hoạch đầu tư công của năm 2024 là 657.349 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân năm 2024 theo kế hoạch dự kiến đạt 95%. Tuy nhiên, thời gian giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 không còn nhiều, nhưng vẫn còn khoảng gần 40% lượng vốn chưa được giải ngân.

7 tổ công tác của Chính phủ do các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng đôn đốc giải ngân. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, dự án nào đang trong quá trình thủ tục điều chỉnh thì phải kết thúc ngay để tiếp tục thực hiện nếu không sẽ bị chậm tiến độ. Dự án nào chậm giải ngân có thể điều chỉnh sang các dự án giải ngân tốt để sử dụng hết tổng vốn trong kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Về thủ tục điều chỉnh kế hoạch, luật hiện đã phân cấp nhiều cho các bộ, ngành, địa phương phải triển khai rà soát ngay để có thể điều chỉnh phù hợp. Ông Phương cũng cho rằng đặc biệt là việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để quản lý công tác đầu tư công nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, thời gian qua hàng loạt giải pháp “thúc” tiến độ đã được các bộ, ngành và địa phương ban hành. Vốn đầu tư công là nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu nguồn vốn chậm được giải ngân, dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng sẽ dẫn tới lãng phí. Nếu trước kia nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp, khó triển khai dự án thì nay Chính phủ khẳng định luôn sẵn sàng nguồn vốn. Vì thế việc “có tiền nhưng không tiêu được” có thể coi là một nghịch lý.

Vậy, tại sao có nghịch lý ấy? Nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có nguyên nhân cán bộ sợ sai, sợ bị kỷ luật nên không mạnh dạn giải ngân, triển khai dự án.

Để giải ngân hết số vốn với khoảng thời gian còn rất ngắn cần có sự chỉ đạo quyết liệt và gắn trách nhiệm cho mỗi cấp, mỗi bộ, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ về giải ngân, triển khai dự án; cần phải có thái độ nghiêm khắc để tăng tính trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương lên. Nói như PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì đây cũng chính là sức ép buộc cán bộ thực thi công vụ phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Hiện đang ở trong chặng nước rút giải ngân, triển khai các dự án đầu tư công của kế hoạch năm 2024. Nếu không phấn đấu với tinh thần quyết liệt nhất, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì rất có thể vẫn còn địa phương, đơn vị không hoàn thành kế hoạch. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới một địa phương, đơn vị cụ thể mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế chung của đất nước. Do đó, siết kỷ luật phải được coi là giải pháp cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Bắc Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chang-nuoc-rut-dau-tu-cong-10295586.html