Chất lượng giáo dục - chìa khóa cho sự phát triển bền vững

Hiện nay, toàn tỉnh có 496 cơ sở giáo dục mầm non, 719 cơ sở giáo dục phổ thông, 20 trung tâm giáo dục thường xuyên, 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với trên 753.000 học sinh, gần 40.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỉ lệ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học rất cao: Bậc mầm non có 72% giáo viên trên chuẩn, bậc THCS có 93,2% giáo viên đạt chuẩn. Đây là yếu tố then chốt, quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo.

Giờ tin học của học sinh Trường THPT Chuyên Hưng Yên.

Giờ tin học của học sinh Trường THPT Chuyên Hưng Yên.

Bà Đoàn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vũ Thư (nay thuộc xã Vũ Thư) cho biết: Xác định “thầy giỏi thì trò mới giỏi”, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, 100% giáo viên của trường đạt chuẩn về trình độ, luôn tâm huyết, hết lòng với sự nghiệp "trồng người". Các giáo viên đều thực hiện tốt việc soạn giảng bằng giáo án điện tử, sử dụng dữ liệu số dùng chung, sử dụng sách giáo khoa mềm trong quá trình giảng dạy, có nhiều sản phẩm đạt giải trong các cuộc thi cấp bộ về xây dựng học liệu dùng chung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cộng sinh trong giáo dục.

Năm 2025, tỉnh có 110 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; 99,62% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, điểm trung bình các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tỉnh Hưng Yên đạt 6,181 điểm, xếp thứ 11 trong 34 tỉnh, thành phố của toàn quốc. Ông Hà Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp (xã Đức Hợp) cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trường có 362 học sinh tham gia, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, trong đó có 15 em học sinh đạt điểm 10 tuyệt đối ở các môn: Toán, Vật lí, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Thành công này đến từ sự tâm huyết, tận tụy của đội ngũ giáo viên, những người đã không ngừng nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy để khơi dậy niềm tin, chắp cánh cho học sinh chinh phục tri thức. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập.

Hiện nay, tỉ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh lên tới 95,31%; có 1.065/1.217 trường đạt chuẩn quốc gia, một tỉ lệ rất cao, tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Theo đồng chí Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa cho sự cạnh tranh và phát triển bền vững. Một nền giáo dục chất lượng cao sẽ tạo ra những công dân có tri thức, kỹ năng, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng, trực tiếp thúc đẩy kinh tế - xã hội. Để giáo dục thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, việc cấp thiết đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh là ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất, đồng bộ trên toàn tỉnh sau hợp nhất. Bên cạnh đó cần tập trung xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể mạng lưới giáo dục giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn 2045. Thực hiện tốt chính sách ưu tiên tuyển dụng, thu hút, giữ chân giáo viên giỏi; tăng cường các chương trình bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu, cập nhật về phương pháp giảng dạy hiện đại, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để mỗi giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, tổ chức và dẫn dắt quá trình học tập của học sinh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm điều kiện dạy học chất lượng. Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học. Khuyến khích các trường học xây dựng mô hình STEM, mô hình trường học gắn với thực tiễn địa phương, phù hợp với năng lực người học. Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tích hợp và tiến tới xây dựng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai - đây là nền tảng để hội nhập quốc tế; đồng thời thay đổi vai trò từ đào tạo đồng loạt sang định hướng nghề nghiệp, phát triển cá nhân hóa. Bên cạnh đó, ngành tập trung thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, phát huy vai trò của gia đình, xã hội trong giáo dục toàn diện. Đặc biệt, cần tăng cường chuyển đổi số - đây là đòn bẩy chiến lược để nâng cao chất lượng giáo dục và hiện đại hóa quản trị nhà trường.

Cơ sở vật chất Trường THCS thị trấn Vũ Thư được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Cơ sở vật chất Trường THCS thị trấn Vũ Thư được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Đào Quyên

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chat-luong-giao-duc-chia-khoa-cho-su-phat-trien-ben-vung-3183094.html