'Chạy tàu' ở Đức!

Một trong những 'đặc sản' của châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng là 'chạy tàu'. Vậy 'chạy tàu' là gì? Nguyên nhân vì sao phải 'chạy tàu'?

Trên hành trình tác nghiệp tại Euro 2024, tôi có dịp được đi qua Pháp, Séc, Hà Lan, Thụy Sĩ... và tất nhiên là Đức. Có một đặc điểm chung là tôi luôn di chuyển đến nơi mình đi qua bằng tàu. Có thể là tàu nhanh, có thể là tàu chậm, có thể là tàu xuyên châu Âu, có thể là tàu nội địa. Trên đường rong ruổi châu Âu, một trong những điều để lại ấn tượng với tôi chính là cảnh những đoàn người phải chạy tán loạn cho kịp giờ tàu chạy.

Hôm từ Berlin di chuyển tới Dortmund, tôi phải trải qua 3 chặng đổi tàu, mỗi lần đổi tàu thì thời gian di chuyển phụ thuộc vào từng chuyến, có thể ngắn (5 phút), có thể dài (15-20 phút hoặc hơn). Nếu thời gian chuyển tàu dài thì tôi có thể từ từ tìm đường ray cho chuyến tàu chuyển tiếp của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng có thể nhanh chóng tìm được đường ray cho tàu chuyển tiếp, nên phải chạy để đuổi theo tàu là điều không thể tránh khỏi.

 Tu sửa hệ thống đường sắt và tàu xuống cấp ở Dortmund.

Tu sửa hệ thống đường sắt và tàu xuống cấp ở Dortmund.

Nguyên nhân chính của việc trễ tàu, hoãn chuyến ở Đức hiện nay là do công nhân đình công, quá nhiều công trình xây dựng, nhiều tàu hỏng, thiếu nhân lực. Nguyên nhân phụ cũng có rất nhiều. Những tình huống bất ngờ như tai nạn, sự cố kỹ thuật do thời tiết hoặc các chướng ngại vật thường khiến tàu không thể chạy đúng lịch trình. Đặc biệt trong những tháng mùa thu hoặc mùa đông, cây đổ do bão thường xuyên chặn đường ray. Việc thi công xây dựng cũng có thể gây ra chậm trễ.

Theo thống kê, từ tháng 11-2018 cho đến đầu năm 2024, chỉ 70% số tàu ICE và các tàu khác chạy đúng giờ. Tàu ICE là tàu nhanh nhất trong các loại tàu ở Đức, với tốc độ gần 320km/giờ, là tàu cao tốc kết nối các thành phố lớn trong và xung quanh Đức. Do tàu chạy với tốc độ cao nên ICE chỉ có các trạm dừng ở những thành phố lớn. Tàu ICE cũng là loại tàu xa hoa nhất với điều hòa, wifi, cổng sạc trên ghế và một khoang tàu để ăn uống. Tàu Intercity chạy chậm hơn tàu ICE, được coi là tàu bán siêu tốc với tốc độ tối đa 220km/giờ, rời xưởng với trung bình 21 lỗi.

Những hư hại này bao gồm nhà vệ sinh hỏng, bảng hiển thị chỗ ngồi, máy pha cà phê có vấn đề... Theo đó, mỗi tàu lăn vào xưởng trung bình với nhiều hư hỏng hơn. Khả năng "giải quyết công việc" tăng lên bị "bù đắp quá mức bởi lượng hư hỏng tăng", theo thuật ngữ của đường sắt. Đến năm 2022, DB (Deutsche Bahn, đường sắt Đức) tăng nhân lực thêm nhưng cũng không lại.

Phát ngôn viên DB trong một tuyên bố về chiến dịch tuyển dụng cho biết: “Deutsche Bahn đã tạo ra tổng cộng 19.000 việc làm trong những năm gần đây và tăng số lượng chỗ đào tạo lên 60%. Chỉ riêng trong năm 2024 sẽ có thêm hơn 24.000 lao động mới gia nhập”. Đặc biệt, sau một thời gian đàm phán, Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm bớt tác động lạm phát khi giá năng lượng và khí đốt tăng chóng mặt. Vậy là tại Euro 2024, vé phương tiện công cộng có giá 9 euro/tháng được áp dụng từ ngày 1-6 đến hết 31-8, thay vì 49 euro/tháng như trước đây.

Tóm lại, cứ 3 chuyến tàu đường dài lại trễ hơn 6 phút. Đối với các dịch vụ trong khu vực (nội tỉnh, trong vùng), cứ 10 chuyến tàu thì có gần một chuyến không đến ga đúng giờ. Vấn đề đúng giờ là điều gây bất bình lớn nhất cho hành khách. Vì sự chậm trễ mà họ phải điều chỉnh các kế hoạch (di chuyển) của mình cho phù hợp để tránh bỏ lỡ các chuyến tàu hoặc nối chuyến. Điều này ảnh hưởng nhiều tới ngành du lịch và danh tiếng chuẩn giờ của người Đức.

Bài và ảnh: MINH HẠNH (từ vùng Ruhr, Đức)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/euro-2024/chay-tau-o-duc-782849