'Chính phủ phải có quyền bảo vệ chính sách đến cùng'
Bộ Nội vụ vừa phối hợp với Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Điểm nghẽn thể chế và các giải pháp đột phá để phát triển', trong đó đại biểu cho rằng hiện nay thể chế là 'điểm nghẽn của điểm nghẽn'.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên của sự đổi mới, sáng tạo và phát triển. Để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển, cần một hệ thống thể chế đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, một tư duy đổi mới mạnh mẽ, một quyết tâm chính trị cao độ và sự đồng lòng của toàn xã hội.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là chuyển từ quản lý Nhà nước sang quản trị quốc gia và ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số.
Trong phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, cho biết thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, trong đó chất lượng xây dựng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; các quy định chưa thật sự đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, tạo ra nhiều bẫy rủi ro về pháp lý, về chính sách, dễ bị hình sự hóa trong quá trình thực hiện.
Cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật chậm thay đổi đã tạo nên “chiếc áo quá chật” làm phát sinh nhiều chính sách đặc thù để các địa phương phát triển.
Nguyên nhân những điểm nghẽn thể chế pháp luật được chỉ ra là do tư duy, nhận thức chậm thay đổi phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tư duy, không thay đổi, hoặc thay đổi nửa vời, chắp vá, không có tính hệ thống thì quản lý, quản trị quốc gia vẫn đi theo lối mòn, rất dễ sa vào tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này lại tạo ra điểm nghẽn khác.
Thay đổi tư duy, điều đầu tiên phải loại bỏ các dấu ấn tư duy kế hoạch hóa tập trung, Nhà nước chuyên chính vô sản trước đây để chuyển sang tư duy thị trường, tư duy hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: “Chính phủ phải có quyền bảo vệ chính sách lập pháp của mình đến tận cùng. Quốc hội không thông qua không có nghĩa là Quốc hội lại "đẻ" ra một chính sách mới để Chính phủ phải thi hành. Quan niệm như vậy thì hệ thống pháp luật không thể tốt được. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang sửa một ý tôi cho là rất tốt, Chính phủ theo dự luật đến cùng. Tôi là người có vị thế tương đối đặc biệt khi đi làm, lúc tôi là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhưng tôi vừa là chuyên gia tư vấn của Thủ tướng, tôi thấy cái nào Quốc hội sửa theo ý của Quốc hội là Chính phủ không thực thi được”.
Các đại biểu cũng cho rằng cần phải phân cấp, phân quyền theo một mô hình triệt để, phân quyền cho địa phương, chỉ có những gì địa phương không làm được mới phân cho Trung ương.
GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết: “Trong phân cấp phân quyền, không nên coi chính quyền địa phương là cánh tay vươn dài của Trung ương. Chính quyền địa phương là thực thể sống động, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Như vậy chính quyền địa phương tự chủ cao hơn. Phân cấp phân quyền rõ ràng. Phân cấp phân quyền cũng phải khác nhau. Luật chỉ quy định về phân quyền và nguyên tắc phân cấp, còn nghị định sẽ quy định phân cấp cụ thể”.
Nhiều ý kiến cho rằng lĩnh vực nào chia sẻ giữa Trung ương và địa phương, lĩnh vực nào địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm, phải được quy định rõ ràng. Khi phân quyền cho địa phương thì địa phương được quyền ban hành văn bản để thực hiện.