Chính phủ Trung Quốc giải quyết cuộc chiến về giá xe điện

Chính phủ Trung Quốc đang ra hiệu rằng sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xe điện của nước này cần đến hồi kết thúc.

Chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã tạo ra một sự chuyển đổi đáng kể sang xe điện tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Nhờ đó, nước này đã sản sinh ra nhiều nhà sản xuất xe điện hơn mức có thể tồn tại. Nhưng những lo ngại âm ỉ từ lâu về tình trạng cung vượt cầu và cuộc chiến giá cả giờ đây đang nổi lên ngay cả khi doanh số bán hàng tăng vọt lên mức cao mới.

Trong tuần này, BYD - công ty dẫn đầu ngành - đã công bố doanh số bán hàng tăng 31% trong sáu tháng đầu năm lên 2,1 triệu xe, với gần một nửa trong số đó là xe điện và phần còn lại là xe hybrid. BYD đã ngừng sản xuất xe động cơ đốt trong vào năm 2022.

Tuy nhiên, BYD đã phải chịu sự chỉ trích ngầm vào cuối tháng 5 khi tung ra đợt giảm giá mới dẫn tới một số công ty khác trong ngành cũng thực hiện động thái tương tự. Chủ tịch của Great Wall Motors đã cảnh báo rằng ngành công nghiệp có thể bị đe dọa nếu tiếp tục đi theo quỹ đạo này.

“Khi khối lượng tăng lên, việc quản lý sẽ khó khăn hơn nhiều và một ai đó sẽ trở thành mục tiêu”, Lei Xing, nhà phân tích độc lập theo dõi ngành công nghiệp ô tô cho biết.

Chính phủ đang cố gắng kiềm chế “sự thoái hóa” - thuật ngữ ban đầu được áp dụng cho cuộc đua chuột của những người trẻ tuổi ở Trung Quốc và hiện nay nhằm ám chỉ các công ty và ngành công nghiệp tham gia vào cuộc cạnh tranh vô nghĩa không dẫn đến đâu cả.

“BYD đã bị chỉ trích vì sử dụng vị thế thống lĩnh của mình theo cách mà một số người xem là không công bằng, dẫn tới cuộc chiến về giá gây ra tổn thất cho toàn ngành”, Murthy Grandhi, nhà phân tích rủi ro tài chính tại GlobalData cho biết.

Với cuộc chiến về giá đã bước sang năm thứ tư, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường nước ngoài. Doanh số bán hàng ở nước ngoài của BYD đã tăng gấp đôi lên 464.000 xe trong nửa đầu năm nay. Điều này dẫn tới việc các chính phủ ở Mỹ và EU đã áp thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc khi cho rằng trợ cấp đã mang lại cho họ lợi thế không công bằng.

Cuộc chiến về giá trở nên gay gắt

Cuộc chiến về giá bắt đầu trở nên gay gắt khi BYD giảm giá bán cho hơn 20 mẫu xe của hãng vào ngày 23/5.

Cùng ngày, Wei Jianjun, Chủ tịch của Great Wall Motors cho biết, ông bi quan về "sự phát triển lành mạnh" của thị trường xe điện. Ông đã so sánh với Evergrande vì sự sụp đổ của tập đoàn bất động sản khổng lồ này đã khiến toàn bộ ngành công nghiệp bất động sản rơi vào suy thoái mà vẫn chưa phục hồi được.

"Evergrande trong ngành ô tô đã tồn tại, nhưng nó vẫn chưa bùng nổ", ông cho biết.

Hai ngày sau, một lãnh đạo của BYD đã bác bỏ mọi sự so sánh với Evergrande và đăng các biểu đồ chứa đầy dữ liệu để củng cố lập luận của mình.

"Thành thật mà nói, tôi rất bối rối và tức giận, và điều đó thật nực cười...Tất cả những điều này đều xuất phát từ những phát biểu gây sốc của Chủ tịch Wei của Great Wall Motors”, Li Yunfei, Tổng giám đốc thương hiệu và quan hệ công chúng của BYD cho biết.

Sau đó, chính phủ và hiệp hội ngành đã vào cuộc. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã kêu gọi nên cạnh tranh công bằng và phát triển lành mạnh đồng thời lưu ý rằng việc giảm giá mạnh của một nhà sản xuất ô tô đã gây ra một cuộc chiến mới về giá.

Cùng ngày, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin đã tuyên bố sẽ giải quyết tình trạng cạnh tranh theo kiểu thoái hóa trong ngành ô tô, cho biết rằng các cuộc chiến giá hỗn loạn gần đây đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh và bền vững của ngành.

Lời hứa trả tiền cho nhà cung cấp trong vòng 60 ngày báo hiệu sự thay đổi có thể xảy ra

Trong tháng 6, 17 nhà sản xuất ô tô bao gồm BYD đã cam kết sẽ trả tiền cho các nhà cung cấp trong vòng 60 ngày.

Một cách mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã vượt qua được cuộc chiến giá khốc liệt là trì hoãn việc thanh toán trong nhiều tháng. Thỏa thuận nếu được tuân thủ sẽ giảm bớt áp lực tài chính cho các nhà cung cấp và có thể kiềm chế một số cuộc cạnh tranh khốc liệt.

“Việc đưa ra cam kết thanh toán trong 60 ngày là lời kêu gọi của chính phủ nhằm phản đối sự cạnh tranh theo kiểu thoái hóa”, Cui Dongshu, tổng thư ký Hiệp hội ô tô chở khách Trung Quốc cho biết.

Điều này cũng làm giảm nguy cơ xảy ra kịch bản tương tự như Evergrande.

Nhiều nhà sản xuất ô tô đã kéo dài thời gian thanh toán bằng cách trả cho các nhà cung cấp bằng khoản nợ ngắn hạn - lời hứa sẽ trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định - thay vì tiền mặt. Các nhà phát triển bất động sản đã sử dụng cùng một cách làm tương tự, và cách làm này đã hiệu quả cho đến khi không còn hiệu quả nữa. Khi Evergrande vỡ nợ, lời hứa trả nợ cũng vô giá trị.

“Thực tế này được xem là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn, tương tự như những gì đã xảy ra với Evergrande”, nhà phân tích Murthy Grandhi cho biết.

Jing Yang, nhà phân tích tại Fitch Ratings cho biết lời cam kết đẩy nhanh tiến độ thanh toán và lời kêu gọi của chính phủ nhằm kiềm chế cuộc chiến về giá, cùng với việc hủy bỏ một số ưu đãi tài chính cho thấy nỗ lực đảo ngược kỳ vọng giá bán sẽ giảm.

"Chúng ta có thể theo dõi hiệu quả của các biện pháp này trong việc đảo ngược xu hướng giá và điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu xe điện trong các quý tới như thế nào", bà cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chinh-phu-trung-quoc-giai-quyet-cuoc-chien-ve-gia-xe-dien-post372559.html