Chính quyền 2 cấp ở Gia Lai hoạt động ổn định, chủ động tháo gỡ vướng mắc
Sau hơn 1 tuần triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các xã, phường trên địa bàn tỉnh Gia Lai (mới) vận hành ổn định. Tuy nhiên, quá trình vận hành bước đầu vẫn còn một số vướng mắc, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và chính quyền cơ sở để kịp thời tháo gỡ.
Hơn một tuần qua, tại trung tâm hành chính các xã, phường thuộc tỉnh Gia Lai (mới), mọi hoạt động diễn ra ổn định. Chính quyền địa phương luôn bố trí cán bộ, công chức, viên chức làm việc liên tục để giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân. Tại các trung tâm hành chính công cấp xã, luôn có một số đoàn viên hướng dẫn người dân cách lấy số thứ tự và đến các cửa phù hợp để làm thủ tục hành chính.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công xã Tuy Phước Đông, tỉnh Gia Lai (mới).
Ông Trịnh Quốc Cường, ở xã Tuy Phước Đông (gồm các xã Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cũ) đến Trung tâm hành chính công xã Tuy Phước Đông để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã nhận được giấy hẹn ngày trả kết quả.
Ông Trịnh Quốc Cường đánh giá, chính quyền 2 cấp như hiện nay rất thuận lợi cho người dân: “Bây giờ khác hồi xưa rất nhiều. Khi vào trung tâm hành chính công phải làm việc theo thứ tự theo từng ban, ngành. Cán bộ hướng dẫn tận tình cho bà con. Trước đây tôi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đã một lần nộp ở cấp huyện vào năm 2024 nhưng chưa làm được”.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai (mới).
Để chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động không bị gián đoạn, xã Tuy Phước Đông đã tập trung ưu tiên hệ thống trang thiết bị và địa điểm phục vụ hành chính công tốt nhất của xã để phục vụ người dân. Ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Tuy Phước Đông, tỉnh Gia Lai cho biết, xã đã sắp xếp cán bộ đảm bảo trình độ, năng lực ở các lĩnh vực, kịp thời hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Phó Chủ tịch UBND xã cũng thường xuyên trực tại trung tâm để ký hồ sơ, phục vụ người dân thông suốt, không phát sinh ách tắc.
“Lo đầu tư hệ thống trang thiết bị cũng như nơi phục vụ tốt nhất cho người dân, đó là Trung tâm hành chính công của xã. Sắp xếp cán bộ nhân sự thuận tiện, đảm bảo đủ trình độ, năng lực và các lĩnh vực phụ trách đều rất tốt và giúp cho người dân một cách thuận lợi nhất”, ông Dương Minh Tân nói.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, Sở đã thực hiện việc hợp nhất và vận hành các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Đến nay, hệ thống truyền hình trực tuyến đã liên thông đến 135 xã, phường; tổ chức thành công nhiều cuộc họp từ Trung ương đến xã. Hệ thống văn phòng điện tử vận hành ổn định.
Hệ thống dịch vụ công đã có 100% các xã, phường phát sinh hồ sơ; người dân nộp thẳng lên hệ thống dịch vụ công quốc gia. Hệ thống trục liên thông cấp tỉnh đảm bảo chuyển tải thông tin, đặc biệt là văn bản điện tử. Việc cấp chữ ký số cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã đã hoàn tất. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đề nghị cán bộ, công chức, viên chức được cấp chữ ký số phải trực tiếp quản lý và ký, không giao chữ ký số cho văn phòng, văn thư.
Ông Trần Kim Kha cho biết thêm, hiện Sở đang phối hợp với các ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ các khó khăn trước mắt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để phục vụ hiệu quả chính quyền hai cấp.
“Các địa phương, cụ thể là 135 xã, phường phải cử cán bộ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để vận hành các hệ thống thông tin, đặc biệt là hệ thống hội nghị truyền hình. Để kiểm tra hệ thống này đa số phải làm việc ngoài giờ. Chúng tôi đã cử mỗi xã có 2 cán bộ kỹ thuật VNPT Bình Định để hỗ trợ cho các xã. Khó khăn về nhân lực công nghệ thông tin hiện nay chủ yếu là giai đoạn đầu, còn các hệ thống cơ bản do Trung ương, tỉnh đầu tư”, ông Trần Kim Kha cho biết.

Trụ sở Đảng ủy xã Bình Khê, tỉnh Gia Lai (mới).
Hiện 135 xã, phường của tỉnh Gia Lai đã ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của xã, phường, các đơn vị sự nghiệp thuộc xã, cấp phòng; đồng thời ban hành quy chế làm việc. Công tác tiếp nhận, bổ nhiệm các chức vụ; bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức trong các phòng và đơn vị sự nghiệp cũng đã hoàn tất. Để tháo gỡ vướng mắc phát sinh, Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai đã thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận phản ánh, đồng thời thông báo số điện thoại của Giám đốc, Phó Giám đốc sở, ngành phụ trách các lĩnh vực đến 135 xã, phường.
Nếu có vấn đề phát sinh, các xã, phường gọi điện trực tiếp và sẽ được hướng dẫn, giải đáp ngay, không cần chờ văn bản vì sẽ chậm. Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với 135 xã, phường, thị trấn để giải đáp tất cả những vấn đề liên quan công tác ngành nội vụ và việc vận hành bộ máy cơ sở.
Bà Phạm Thị Tố Hải, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai khẳng định: “Trước 20/7, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh Gia Lai xây dựng các kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn cho 14 sở, ngành. Hiện nay chỉ có Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã có tập huấn cho ngành mình rồi, các sở còn lại thì sẽ xây dựng tài liệu, số hóa tài liệu và tổ chức tập huấn trực tuyến cho tất cả cán bộ thực hiện công tác chuyên môn tại các xã, phường, thị trấn để giải quyết kịp thời những vấn đề còn thấy vướng, chưa được đảm bảo về mặt chuyên môn thì chúng tôi sẽ hướng dẫn kịp thời”.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (mới), sau một tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bộ máy mới trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo ổn định, được Trung ương đánh giá ở “vùng xanh” và vận hành tốt.
“Tất cả xã, phường của tỉnh Gia Lai đã có hồ sơ phát sinh. Tỉnh Gia Lai đứng thứ 12/34 tỉnh, thành có phát sinh hồ sơ thủ tục hành chính nhiều. Đây là điều đáng mừng vì doanh nghiệp và nhân dân đến Trung tâm hành chính thì giao dịch mới phát sinh. Về vận hành chính quyền 2 cấp, đặc biệt là thủ tục hành chính cấp xã như vậy hoàn thành rất tốt”, ông Hồ Quốc Dũng nói.