Chính quyền địa phương 2 cấp: Cần thêm thiết bị bấm số, màn hình thông tin tự động
Khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp, chuyển đổi số đóng vai trò 'lưu thông' bộ máy trơn tru, thông suốt, không bị gián đoạn, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương của thành phố Cần Thơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh chóng, minh bạch. Tuy nhiên, quá trình thực tế áp dụng chuyển đổi trong vận hành chính quyền hai cấp vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ.

Hướng dẫn người dân lấy số thứ tự khi thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hỏa Lựu (Cần Thơ). Ảnh: Hồng Thái/TTXVN
Sau hợp nhất, mỗi ngày, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Vị Tân (Cần Thơ) tiếp nhận khoảng 50 lượt người đến thực hiện các thủ tục hành chính, đa số thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, tư pháp, bảo trợ xã hội…, tăng khoảng 50% so với trước ngày 1/7.
Theo bà Võ Thị Thúy Băng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Vị Tân, việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp tạo thuận lợi cho người dân rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí đi lại, tiếp cận thông tin minh bạch, rõ ràng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính giúp người dân dễ dàng tra cứu, theo dõi tiến độ, thời gian giải quyết hồ sơ, giảm thiểu sai sót, hồ sơ được lưu khoa học…
Hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số để hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Vị Tân được trang bị máy móc, thiết bị đảm bảo phục vụ cho hoạt động tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (máy vi tính, máy in, máy scan…).
Tuy nhiên, do phường Vị Tân được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ các đơn vị hành chính cũ (phường V, phường IV và xã Vị Tân) nên trụ sở hiện tại còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Do đó, địa phương mong muốn các cấp thẩm quyền xem xét hỗ trợ trang bị bổ sung các hạng mục thiết yếu để Trung tâm vận hành đồng bộ, đúng tiêu chuẩn như: máy bấm số tự động, màn hình hiển thị thông tin…
Trong khi đó, khó khăn mà Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hỏa Lựu gặp phải, theo ông Trang Ích Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm, đó là thành phố vẫn chưa ban hành quy trình giải quyết thủ tục hành chính và hướng dẫn thu phí, lệ phí, chính sách miễn, giảm phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, một số lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính có hệ thống giải quyết riêng như: chứng thực điện tử, phần mềm hộ tịch, đăng ký kinh doanh... nhưng cán bộ, công chức chưa được cấp tài khoản ở khâu xử lý hồ sơ, nên còn bị động.

Nhân dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Vị Thủy. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Theo ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, những ngày đầu triển khai chính quyền địa phương hai cấp ở Cần Thơ ghi nhận một số khó khăn như: bộ phận chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ đa phần là cán bộ mới phải thực hiện các hệ thống hạ tầng, nền tảng mới…; kết nối liên thông các cổng thông tin cấp bộ, đặc biệt là thủ tục hộ tịch do phần mềm mới còn lỗi…
Để vận hành ổn định thông suốt các hệ thống, ngành Khoa học và Công nghệ Cần Thơ tập trung hoàn thiện, cải tiến chức năng hệ thống, đáp ứng tốt nhu cầu thực tế, tiện ích sử dụng; giao đơn vị chuyên môn đảm bảo an toàn và vận hành thông suốt hệ thống; tiếp tục phát triển dữ liệu, tích hợp, kết nối đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống, chia sẻ, khai thác hiệu quả dữ liệu để phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác chỉ đạo, điều hành.
Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ cũng phân công đầu mối hỗ trợ các đơn vị sử dụng (đơn vị chuyên môn của Sở, cùng với sự hỗ trợ của đơn vị triển khai phần mềm) mỗi đơn vị ít nhất 2 người hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là cấp xã; bố trí cả lực lượng hỗ trợ tại chỗ và lực lượng quản lý tập trung tại Trung tâm điều hành của thành phố sẵn sàng điều phối, ứng cứu các trường hợp khẩn cấp.
Từ khảo sát thực tế và phản ánh của các địa phương, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ nhìn nhận, đa phần các trung tâm phục vụ hành chính công mới đặt xa trung tâm, khi chia tách hạ tầng đặt tại nơi tiếp nhận chưa được đầu tư kĩ. Hiện, thành phố khẩn trương điều chuyển các tài sản ở các nơi có hạ tầng tốt về các trung tâm này.
Liên quan đến thắc mắc về thu phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, ông Ngô Anh Tín cho biết, theo Nghị quyết của HĐND thành phố, đến thời điểm này vẫn không thu phí của người dân, chờ đến khi Nghị quyết chuyển tiếp có hiệu lực ở kỳ họp HĐND gần nhất.
Sở Khoa học và Công nghệ đặt mục tiêu đến cuối tháng 10/2025, vận hành thông suốt các cấp chính quyền. Thời gian tới, Sở sẽ ban hành kế hoạch thực hiện tập huấn cho cán bộ công chức, viên chức cấp xã bộ phận một cửa; kiến nghị chính quyền thành phố, các cấp, ngành liên quan quan tâm hơn cho chính quyền cấp xã.
Đối với khắc phục hạ tầng tại các trung tâm hành chính công, ông Ngô Anh Tín thông tin, Sở thống kê các nhu cầu của các đơn vị tham mưu cho thành phố trình HĐND phân bổ ngân sách về cho các xã để trang bị cho các bộ phận ở các nơi làm việc mới.
Ông Ngô Anh Tín cũng cho biết thêm, những khó khăn nào trong khả năng thì Sở Khoa học và Công nghệ tháo gỡ, những vướng mắc ngoài khả năng thì Sở báo cáo cho Ban Thường vụ HĐND, UBND thành phố.
Sau 10 ngày vận hành chính quyền hai cấp, đến nay, 103 xã, phường ở thành phố Cần Thơ đều phát sinh thủ tục hành chính, công tác phục vụ người dân ở bộ phận một cửa đã thuận lợi hơn.
Theo thống kê, từ ngày 1/7 đến hết ngày 9/7, các đơn vị, sở, ban, ngành và 103 xã, phường đã tiếp nhận 10.859 hồ sơ (trong đó 5.586 hồ sơ trực tuyến, số hồ sơ đang xử lý là 5.589 hồ sơ, số hồ sơ quá hạn đang xử lý là 262 hồ sơ).