Chính sách mới cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa X vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định về tiêu chí thành lập, số lượng thành viên tổ bảo vệ an ninh trật tự (ANTT); mức chi hỗ trợ, bồi dưỡng; trang phục, phương tiện, thiết bị đối với tổ bảo vệ ANTT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh, trung tá Huỳnh Văn Tấn Đông (bìa phải) trao đổi, động viên lực lượng dân phòng xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) trong công tác đảm bảo an ninh trật tự cơ sở. Ảnh: TỐ TÂM

Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh, trung tá Huỳnh Văn Tấn Đông (bìa phải) trao đổi, động viên lực lượng dân phòng xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) trong công tác đảm bảo an ninh trật tự cơ sở. Ảnh: TỐ TÂM

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây đã kịp thời cụ thể hóa, tạo cơ sở pháp lý thống nhất đảm bảo cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Tiến Đạt cho biết, thời gian qua, lực lượng công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng được bố trí tại địa bàn các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở. Tuy nhiên, do trình độ, năng lực, tính chất tự nguyện tham gia nên lề lối, tác phong làm việc của các lực lượng này có lúc, có nơi chưa được nghiêm; một số chức danh do kiêm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ nên hiệu quả công việc chưa cao. Mặt khác, việc tuyển chọn, thu hút công dân tham gia các lực lượng này cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là những người có năng lực, đã được đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên. Nguyên nhân chính là do chế độ, chính sách không bảo đảm…

Liên quan đến nghị quyết này, Chủ tịch HĐND tỉnh THÁI BẢO đề nghị UBND tỉnh khẩn trương ban hành quyết định số lượng tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở, số lượng thành viên tổ. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch, tổ chức đồng loạt lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong toàn tỉnh, đưa lực lượng này vào hoạt động kể từ ngày 1-7-2024.

Hiện tổng biên chế của 3 lực lượng này trên địa bàn tỉnh là 4.111 thành viên, thiếu 1.290 thành viên so với định biên. Trong khi đó, với tốc độ phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, Đồng Nai đã thu hút một lượng lớn dân cư từ nhiều tỉnh, thành phố đến lao động và sinh sống. Tỉnh cũng có nhiều địa bàn xã, ấp có diện tích rộng hoặc đông dân cư, có tính chất đặc thù. Thực tế trên làm phát sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội và ANTT.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh, để đảm bảo nghị quyết sát thực tiễn, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã tiến hành khảo sát về điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô dân số, diện tích tự nhiên và đánh giá tình hình, yêu cầu bảo đảm ANTT. Từ đó tính toán bố trí số tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở và số thành viên các tổ trên địa bàn toàn tỉnh cho phù hợp.

Trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình, dự thảo nghị quyết nói trên, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trương Thị Mỹ Dung cho rằng, trước yêu cầu bảo đảm ANTT trong tình hình mới cũng như việc kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng nhằm tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở thì việc ban hành nghị quyết là cần thiết.

Mặt khác, ngày 28-11-2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Việc ban hành nghị quyết giúp kịp thời cụ thể hóa, quy định chi tiết các nội dung được luật này giao thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, tạo cơ sở pháp lý thống nhất hoạt động của lực lượng ANTT cơ sở.

Hỗ trợ nhiều chính sách

Nghị quyết quy định mỗi ấp, khu phố thành lập một tổ bảo vệ ANTT. Mỗi tổ bảo vệ ANTT có một tổ trưởng, một tổ phó và tổ viên. Số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT căn cứ vào yêu cầu bảo đảm ANTT, điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô dân số (bao gồm cả thường trú và tạm trú), diện tích tự nhiên tại các địa bàn ấp, khu phố.

Trong đó, tại ấp, khu phố có số lượng dân cư ở mức thấp nhất dưới 3 ngàn người, mỗi tổ sẽ có 3 thành viên; ở mức cao nhất tại ấp, khu phố có số lượng dân cư trên 7 ngàn người hoặc ấp, khu phố thuộc xã, phường, thị trấn trọng điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, mỗi tổ sẽ được bố trí tới 9 thành viên.

Về mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng đối với thành viên tổ, nghị quyết quy định tổ trưởng sẽ được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/người/tháng; tổ phó 2,7 triệu đồng/người/tháng; tổ viên 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, nghị quyết còn quy định chế độ hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT hoặc tuần tra đêm; hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ các ngày thứ bảy, chủ nhật, lễ, Tết; hỗ trợ khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách; hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; quy định cụ thể về việc trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận cho lực lượng này. Ngoài ra, nghị quyết còn quy định mức hỗ trợ theo trình độ đào tạo đối với tổ trưởng và tổ phó nhằm tạo sự công bằng giữa các lực lượng có sự chênh lệch về trình độ chuyên môn…

Hồ Thảo

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202406/chinh-sach-moi-cho-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-d3557a6/