Chính sách tiền tệ trong sương mù
Các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đã gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng chính sách lãi suất do cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump khiến viễn cảnh thuế quan luôn mịt mờ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Các ngân hàng trung ương lớn, điều hành chính sách tiền tệ của các nền kinh tế chiếm tới 40% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đang phải quyết định chiến lược lãi suất trong tình cảnh gần như "bịt mắt lái tàu".
Các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đã gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng chính sách lãi suất do cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến viễn cảnh thuế quan luôn mịt mờ. Thêm vào đó, những diễn biến địa chính trị ở Trung Đông trong thời gian vừa qua khiến cục diện tăng trưởng và lạm phát trong nửa cuối năm 2025 càng trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda đã quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp mới đây nhất, nhưng các dữ liệu đầu vào để ra quyết định này rất mơ hồ.
Kinh tế Nhật Bản nhiều khả năng đã rơi vào suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm nay. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2025 giảm 0,2%, trước khi các biện pháp thuế quan mới được Tổng thống Trump tung ra. Quý II/2025 có thể còn tồi tệ hơn khi doanh nghiệp ngừng chi tiêu và người dân chuẩn bị đối mặt với nguy cơ “đình lạm” – tăng trưởng trì trệ đi kèm lạm phát.
Phần “đình trệ” càng nặng nề hơn khi ông Trump áp thuế mạnh lên hàng hóa Trung Quốc – một động thái gián tiếp gây thiệt hại cho Nhật Bản. Các mức thuế mới áp lên ô tô (25%), thép và nhôm (50%) cùng nguy cơ đánh thêm thuế "đối ứng" (24%) và "đơn phương" khiến Tokyo càng rối ren. Tình thế của Thủ tướng Shigeru Ishiba cũng không khá hơn, khi vừa phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử tháng 7/2025, vừa phải đàm phán thương mại với chính quyền Mỹ.
Cũng như BoJ, các ngân hàng trung ương khắp châu Á đang trong cảnh “mù mịt” về hướng đi của giá dầu – yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến lãi suất tại Mỹ. Cựu chuyên gia từ Cục tình báo trung ương (CIA) Helima Croft từng cảnh báo nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu sẽ gia tăng đáng kể nếu chiến sự ở Trung Đông kéo dài. Giá dầu Brent có thể tăng lên 100 USD/thùng bất kỳ lúc nào – hoặc giảm xuống 70 USD – tùy theo các biến số địa chính trị.Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 19/6, bất chấp áp lực từ Tổng thống Trump. Phát biểu trong cuộc điều trần định kỳ mỗi năm hai lần tại Quốc hội diễn ra ngày 24/6, Chủ tịch Fed, Jerome Powell cho biết ông sẽ không ủng hộ việc hạ lãi suất trước mùa Thu năm nay, và cơ sở cho sự trì hoãn này là do rủi ro lạm phát có thể tăng do chính sách thuế quan của ông Trump.Fed cũng đối mặt với sức ép không nhỏ: lạm phát tháng 5/2025 ở mức 2,4% – vẫn thấp – nhưng có thể chỉ là “điểm đáy” nếu giá dầu và thuế quan tiếp tục đẩy chi phí tiêu dùng tăng cao.Dù Fed từng dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, hiện đang xuất hiện nhiều quan điểm trái chiều về khả năng thực hiện điều đó trong năm 2025. Tuy nhiên, ông Powell cho biết “đa số đáng kể” trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vẫn cho rằng cắt giảm lãi suất vào cuối năm là phù hợp.Ngày 2/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi Chủ tịch Fed từ chức. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chính Tổng thống Trump đã đề cử ông Powell làm Chủ tịch Fed. Sau đó, Tổng thống Joe Biden - người kế nhiệm ông Trump - đã tái bổ nhiệm ông Powell cho nhiệm kỳ thứ hai. Nhiệm kỳ hiện tại của ông Powell dự kiến kết thúc vào tháng 5/2026.Kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Trump từng nhiều lần công kích ông Powell vì không hành động nhanh chóng trong việc cắt giảm lãi suất. Theo ông Trump, Fed nên hỗ trợ kinh tế mạnh mẽ hơn trong bối cảnh lạm phát vẫn được kiểm soát.
Mới đây, hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã diễn ra tại Canada để tìm lối đi chung trong cơn bão toàn cầu. Nhưng ông Trump đã rời hội nghị sớm, làm dấy lên nghi ngại về tính gắn kết của nhóm. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu G7 giờ có còn là một khối, hay chỉ còn là “G6 + 1”?
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chinh-sach-tien-te-trong-suong-mu/379590.html