Chính sách visa mới: Có là 'thỏi nam châm' hút khách quốc tế đến Việt Nam?
Chính sách thị thực linh hoạt là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Ngành Du lịch Việt còn nhiều điều phải làm để có thể vươn mình bắt đầu từ 'cú huých' thị thực.
Chính phủ vừa ban hành hai Nghị quyết miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho 15 quốc gia. Tín hiệu tích cực thể hiện tinh thần hiếu khách và cởi mở của ta với thế giới. Đáng chú ý, qua đó cho thấy mục tiêu rõ ràng của Chính phủ là hướng đến nhóm du khách “tinh hoa,” những người có thu nhập cao, sẵn sàng “móc hầu bao” cho các dịch vụ cao cấp.
Có thể thấy, chính sách thị thực linh hoạt một công cụ quan trọng để tăng sức hấp dẫn của điểm đến, tăng tính cạnh tranh giữa các quốc gia. Với chính sách visa vừa được thông qua, du lịch Việt liệu thực sự có cơ hội để bứt phá, vươn lên thành điểm đến hàng đầu khu vực? Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), ông Hoàng Nhân Chính đã chia sẻ những góc nhìn xung quanh câu chuyện này.
- Truyền thông quốc tế nhận định ngành du lịch Việt Nam có mức độ phục hồi tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí cao hơn cả các điểm du lịch nổi tiếng như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines… Theo ông, với chính sách miễn thị thực đã cởi mở hơn như hiện nay chúng ta có đủ lợi thế so với các nước đó không và làm thế nào để tăng sức cạnh tranh?
Ông Hoàng Nhân Chính: Theo tôi, một chính sách visa cởi mở gửi tín hiệu rằng Việt Nam dễ tiếp cận hơn. Điều này có thể thu hút du khách, đặc biệt là khách tự do – nhóm nhạy cảm với rào cản visa. Chính sách thị thực cởi mở sẽ tạo hình ảnh điểm đến cởi mở, thân thiện, thu hút các nhà đầu tư, doanh nhân và khách du lịch dài ngày.
Trong khu vực Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia đều có chính sách thị thực linh hoạt để thu hút khách du lịch quốc tế. Nếu Việt Nam không mở rộng chính sách miễn thị thực, chúng ta có thể mất đi lợi thế cạnh tranh và bị tụt hậu so với các điểm đến khác.

Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), ông Hoàng Nhân Chính. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Thực tế, Thái Lan đang miễn thị thực cho 98 quốc gia, cho phép lưu trú 30-90 ngày; Malaysia miễn thị thực cho 165 quốc gia, lưu trú từ 30-90 ngày; Singapore miễn thị thực cho 163 quốc gia, lưu trú từ 30-90 ngày. Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ miễn thị thực cho 30 quốc gia với thời gian lưu trú chủ yếu từ 30-45 ngày, ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Vì thế, nếu không mở rộng danh sách, chúng ta có thể mất cơ hội cạnh tranh với các quốc gia này.
Nếu chính sách miễn visa nhắm đến các nước phát triển (Mỹ, Canada, Australia) hoặc nhóm khách nhà giàu (doanh nhân, tỷ phú), Việt Nam có thể cạnh tranh trực tiếp với Singapore và Thái Lan trong phân khúc du lịch cao cấp.
Hiện Singapore dẫn đầu về chất lượng dịch vụ, nhưng chi phí cao; Thái Lan nổi bật về giá cả hợp lý, nhưng Việt Nam có thể tận dụng lợi thế văn hóa độc đáo và chi phí thấp hơn để định vị mình như một lựa chọn thay thế hấp dẫn, giúp họ ưu tiên chọn Việt Nam khi lên kế hoạch du lịch.
- Những con số như ông vừa phân tích cho thấy thực tế là chính sách miễn thị thực ở Việt Nam dù đã cở mở hơn nhưng vẫn còn “lép vế” với các nước. Muốn làm một cuộc “đại cách mạng” cho chính sách này bây giờ là khó, vậy chi bằng chúng ta làm những việc dễ trước. Theo ông, trước mắt chúng ta có thể cải thiện gì?
Ông Hoàng Nhân Chính: Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong chính sách thị thực, với danh sách miễn thị thực được mở rộng lên 30 quốc gia, thời gian lưu trú cũng được nâng lên 45 ngày đối với các nước được áp dụng miễn thị thực đơn phương. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực như Thái Lan (miễn thị thực gần 100 quốc gia), Malaysia và Singapore (đều hơn 160 quốc gia), con số này vẫn còn khá khiêm tốn.

Singapore sở hữu hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. (Ảnh: Straits Times)
Nếu Việt Nam chưa thể mở rộng danh sách miễn thị thực theo hướng “đại trà” như Thái Lan (miễn thị thực cho 98 quốc gia), chúng ta có thể cân nhắc và chọn lọc đối tượng miễn thị thực, tập trung vào nhóm khách du lịch cao cấp có tiềm năng chi tiêu lớn và đóng góp kinh tế cao. Đây là cách tiếp cận mà nhiều quốc gia đã áp dụng thành công để tối ưu hóa lợi ích từ chính sách thị thực mà không cần mở rộng quy mô quá lớn.
Chính phủ hướng đến miễn thị thực cho nhóm khách du lịch cao cấp bởi dòng khách này thường chi tiêu nhiều hơn cho lưu trú (khách sạn 5 sao, resort), ăn uống (nhà hàng cao cấp), mua sắm hàng xa xỉ, và trải nghiệm độc quyền (du thuyền, chơi golf, tour riêng với trải nghiệm đặc biệt). Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, khách cao cấp có thể chi tiêu gấp 5-10 lần so với khách đại trà, giúp tăng doanh thu mà không cần đón lượng khách quá lớn.
Hơn nữa, Việt Nam chưa đủ cơ sở hạ tầng du lịch để đón lượng khách khổng lồ như Thái Lan (35,5 triệu lượt khách năm 2024) nên việc chúng ta tập trung vào phân khúc cao cấp giúp giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng, đồng thời tận dụng các điểm đến đã phát triển như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang là những nơi có các resort và dịch vụ cao cấp sẵn sàng.
Đặc biệt, việc thu hút khách cao cấp là các doanh nhân, tỷ phú, người nổi tiếng còn giúp Việt Nam định vị mình như một điểm đến sang trọng, độc đáo, thay vì chỉ là điểm đến giá rẻ. Điều này tạo hiệu ứng quảng bá tự nhiên, giống như cách Maldives hay Dubai đã làm.

(Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Tôi cho rằng chọn lọc đối tượng miễn thị thực thay vì mở rộng đại trà sẽ giúp Việt Nam kiểm soát tốt hơn dòng khách nhập cảnh, giảm nguy cơ nhập cư bất hợp pháp hoặc các vấn đề an ninh, là một trong những rào cản lớn hiện nay.
- Chính sách visa mới tuy là động thái tích cực nhưng lại không phải là thỏi nam châm giúp kéo khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Bởi muốn khách đến đông cần nhiều yếu tố cộng hưởng khác như công tác xúc tiến, quảng bá, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, mới mẻ…
Ông Hoàng Nhân Chính: Đúng vậy, chính sách visa mới, dù là một động thái tích cực và quan trọng, nhưng không thể được coi là thỏi nam châm để tự động kéo khách quốc tế đến Việt Nam. Chính sách này chỉ là một phần trong hệ sinh thái du lịch, và hiệu quả thực sự phụ thuộc vào sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác như công tác xúc tiến, quảng bá, và đặc biệt là việc xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, mới mẻ để thu hút và giữ chân du khách.
Một nghiên cứu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy 70% quyết định du lịch dựa trên danh tiếng điểm đến và sản phẩm du lịch, chứ không chỉ là chính sách visa thuận lợi hay không.

Miss World Scotland 2024 vừa có chuyến du lịch đến Việt Nam. Một trong những điểm đến cô chọn khám phá là nhịp sống sôi động tại khu chợ Bến Thành, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy họ miễn visa cho 98 quốc gia là bước đầu, nhưng thành công thực sự đến từ sản phẩm du lịch đa dạng như chợ nổi, lễ hội, massage Thái và quảng bá mạnh mẽ với 100 triệu USD/năm. Kết quả là họ thu hút tới 35, 5 triệu lượt khách năm 2024, thu về 48,5 tỷ USD.
Singapore miễn visa cho 163 quốc gia, nhưng yếu tố giữ chân là các công trình biểu tượng như Marina Bay Sands; sự sạch sẽ và dịch vụ đẳng cấp… giúp họ đạt doanh thu 29 tỷ USD dù chỉ đón 16,5 triệu lượt khách vào năm ngoái.
Như vậy, chính sách visa là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Nếu không có sản phẩm du lịch hấp dẫn, công tác xúc tiến, quảng bá kém hiệu quả thì khách vẫn có thể chọn Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Theo tôi, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận, tập trung vào chất lượng trải nghiệm thay vì chỉ chạy theo số lượng khách. Nếu làm tốt, Việt Nam không chỉ đuổi kịp Thái Lan mà còn có thể trở thành điểm đến hàng đầu Đông Nam Á trong 10 năm tới.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.