Chỉnh trang, tái thiết nội đô lịch sử: Tăng thẩm quyền, thêm nguồn lực
Để có lời giải cho những khó khăn, vướng mắc sau gần 10 năm thực hiện Luật Thủ đô cũng như các quy định liên quan đến quy hoạch, quản lý đô thị, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đang được trình và thảo luận ở Quốc hội, có nhiều điểm tích cực. Theo đó, dự thảo đã tăng phân cấp, phân quyền, tạo nguồn lực tài chính nhằm đột phá trong cải tạo, chỉnh trang, phát huy những giá trị đặc biệt, riêng có của khu vực nội đô lịch sử.
Tháo “điểm nghẽn” trong chỉnh trang đô thị
Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26-7-2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2. Đây là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội, cùng với bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, thành cổ Hà Nội…
Với vị trí, vai trò Thủ đô của đất nước, Hà Nội là địa phương duy nhất có Luật Thủ đô (hiệu lực thi hành năm 2013). Luật quy định, việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy định của pháp luật về xây dựng, về quy hoạch đô thị và các quy định khác có liên quan. Sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử, văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử là vấn đề được đặt ra trong nhiều chính sách, giải pháp của chính quyền các cấp tại Thủ đô Hà Nội.
“Yêu cầu chính đối với đô thị lõi lịch sử là giảm áp lực về dân số, giảm tải hoạt động xây dựng công trình quy mô lớn làm gia tăng nhu cầu phát sinh xe cơ giới; làm thế nào để nâng cao tính hấp dẫn của mỗi địa điểm và củng cố các thể chế cho sự vận hành chung cả đô thị. Trên thực tế, đưa khu nội đô lịch sử trở thành không gian đô thị đáng sống gặp nhiều nan giải do nguồn lực hạn hẹp và sự phức tạp về sở hữu đất đai tồn tại từ lâu trong quá khứ”, kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) nêu.
Xuất phát từ thực tế trên, bên cạnh việc kế thừa một số quy định cũ, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và các quy định liên quan đến cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị, đã bổ sung nhiều nội dung phù hợp với đặc thù riêng, duy nhất của Thủ đô Hà Nội. Chẳng hạn việc di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học khỏi nội đô là nhiệm vụ được đặt ra từ lâu cho thành phố bởi đây là mấu chốt để Hà Nội giải bài toán giảm dân số và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, úng ngập trong khu vực nội đô. Tuy nhiên, vì một số khó khăn, vướng mắc, nhiệm vụ này vẫn triển khai chậm trong thực tiễn, chưa đạt được các mục tiêu đặt ra. Vì thế việc sửa đổi Luật Thủ đô tiếp tục theo hướng giao thẩm quyền mạnh hơn cho thành phố. Hà Nội cần có cơ chế sử dụng tiền ngân sách để giải phóng mặt bằng, thậm chí xây cơ sở mới cho trường đại học, bệnh viện. Cơ sở cũ có thể trả lại cho thành phố hoặc làm nơi đào tạo sau đại học, nghiên cứu hợp tác quốc tế nhằm giảm tập trung dân số trong nội đô.
Bước đột phá theo kịp thực tiễn
Ngày 10-11, tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo tờ trình, các nội dung liên quan đến cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị được tập trung tại Điều 19, 20, 21 và 22.
Theo đó, bên cạnh việc kế thừa quy định của Điều 8, 9 và 10 Luật Thủ đô 2012, các nội dung sửa đổi đã quy định cụ thể yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả, bền vững các công trình, không gian lịch sử, văn hóa tại khu vực nội đô lịch sử”.
Đặc biệt, tại các điều 19, 20 và 21 dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đề xuất quy định rõ các công việc về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị. Trong đó, quy hoạch phải chú ý tới các yếu tố về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng không gian công cộng, phát huy các hình thái kiến trúc của các khu vực, công trình có giá trị văn hóa, lịch sử; phát triển không gian xanh, không gian ngầm...
Ngoài ra, quy định tại Điều 22 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định những nội dung đặc thù cho công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị Thủ đô, bao gồm “hỗ trợ cá nhân, tổ chức cải tạo, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị; hỗ trợ cá nhân, tổ chức đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà ở cũ tại phố cổ, phố cũ theo quy chế quản lý kiến trúc và thiết kế đô thị; hỗ trợ kiểm định chất lượng công trình tạo điều kiện để khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của Thủ đô”.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, quy định này là đột phá so với các quy định pháp luật hiện hành nhằm đáp ứng các đòi hỏi từ thực tiễn. Đồng thời, khuyến khích người dân cùng tham gia bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của Thủ đô.
Quy định này khác với Luật Đầu tư công khi Thủ đô sử dụng ngân sách để hỗ trợ người dân chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa, quy định này cần cho phép Nhà nước hỗ trợ người dân bằng việc cung cấp bản vẽ, thiết kế trong kho tư liệu của Nhà nước về công trình hoặc thiết kế phục dựng của các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn.
Cũng theo một số chuyên gia đô thị, quy định tại dự thảo Luật về cơ chế hỗ trợ đền bù tái định cư, di dời, chuyển đổi nghề nghiệp, điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết trong khu vực nội đô lịch sử để tái thiết, tái khai thác giá trị, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị rất đáng lưu ý. Việc này có tính thúc đẩy giãn dân trong khu vực nội đô lịch sử và cải tạo, chỉnh trang trong khu vực nội đô lịch sử.
Để giải quyết bài toán về nguồn lực, dự thảo Luật đưa ra quy định mới về quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô. Đây là giải pháp về tài chính nhằm thu hút nguồn vốn ở khu vực tư nhân đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc ở khu vực nội đô lịch sử nói riêng và các công trình kiến trúc khác có giá trị về văn hóa và lịch sử. Việc thành lập quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử sẽ giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Các chuyên gia đánh giá, mô hình quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử là quỹ tài chính ngoài ngân sách, Nhà nước chỉ hỗ trợ việc hình thành vốn điều lệ và bảo đảm hoạt động ổn định ban đầu của quỹ. Hoạt động của quỹ sẽ làm giảm gánh nặng về đầu tư của ngân sách thành phố cho cải tạo, chỉnh trang và tái thiết khu vực nội đô lịch sử. Có như vậy, nhiệm vụ cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị mới tháo gỡ được khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tạo bước chuyển biến mới nhằm bảo tồn và phát huy hệ giá trị phong phú, đặc biệt riêng có của nội đô lịch sử.