Chờ 'cú nước rút' trong xây dựng nông thôn mới ở Hậu Lộc

Hậu Lộc (Thanh Hóa) đang đặt quyết tâm 'về đích' huyện nông thôn mới trong năm 2023. Để hoàn thành mục tiêu, huyện đang dồn mọi nguồn lực nhằm hoàn thiện hạ tầng, điện - đường - trường - trạm, đặc biệt là nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập cho người dân.

Trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Hậu Lộc luôn chú trọng thực hiện các tiêu chí gắn với phát triển sản xuất, từ đó từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Hiệu quả từ sản xuất lớn

Một trong những chính sách quan trọng trong cuộc “cách mạng” nông nghiệp ở Hậu Lộc là đẩy mạnh tích tụ đất đai, phát triển sản xuất lớn, hình thành các cánh đồng lớn canh tác theo hướng hàng hóa.

Theo số liệu thống kê, đến nay, 22/22 xã của huyện đã thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ lên tới hàng trăm ha, tập trung ở các xã Thành Lộc, Phong Lộc, Tiến Lộc, Liên Lộc...

Qua tích tụ ruộng đất, một số đơn vị, cá nhân đã áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như HTX nông nghiệp Quang Lộc liên kết sản xuất mô hình trồng rau an toàn, dưa lưới công nghệ cao; HTX Phú Lộc với hơn 400 ha; 6 hộ tại xã Tiến Lộc thuê lại 105 ha tập trung sản xuất lúa chất lượng cao...

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điểm tựa xây dựng nông thôn mới ở Hậu Lộc (Ảnh: BTH).

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điểm tựa xây dựng nông thôn mới ở Hậu Lộc (Ảnh: BTH).

HTX nông nghiệp Phú Lộc đang là điểm sáng trong tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn ở Hậu Lộc, khi thu hút hơn 900 hộ thành viên, nông dân liên kết với tổng diện tích canh tác trên 400 ha, trong đó có hơn 200 ha đất màu chuyên trồng các loại cây hàng hóa.

HTX thực hiện 6 khâu dịch vụ, trong đó có dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, triển khai ứng dụng khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nông sản cho các hộ thành viên luôn được chú trọng thực hiện theo phương châm “hợp tác để phát triển”.

Những năm qua, HTX đã tích cực triển khai thực hiện tích tụ đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, thị trường đầu ra ổn định vào sản xuất, như: ngô ngọt, khoai tây, ớt, cải bó xôi, đậu tương rau, dưa các loại...

Đặc biệt, để giải bài toán đầu ra, HTX đã chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường, gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với những đơn vị như Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Thanh An, Công ty Hoa Long...

Ông Hoàng Văn Toàn, Giám đốc HTX Phú Lộc, cho hay mỗi năm tổng sản lượng sản phẩm mà HTX bao tiêu đạt từ 4.000 - 5.000 tấn, tổng doanh thu đạt 24 - 27 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 400 - 500 triệu đồng.

Nét nổi bật trong phát triển nông nghiệp ở HTX nông nghiệp Phú Lộc là từ đầu năm 2022, HTX đầu tư số vốn hàng tỷ đồng để xây dựng và đưa vào sản xuất mô hình trồng rau thủy canh, trồng các loại dưa vàng trên tổng diện tích 1.600m2 tại thôn Giữa. Đây là diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của HTX.

Nâng cao chất lượng nông thôn mới

Hiệu quả của quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao, cùng những đóng góp của HTX Phú Lộc chính là nền tảng để xã Phú Lộc trở thành xã đầu tiên của huyện Hậu Lộc về đích nông thôn mới, đồng thời là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Trên cánh đồng xã Phú Lộc đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây màu như: dưa bao tử xuất khẩu, ớt lai, ớt kim, hành lá, cải bó xôi, ngô ngọt, dưa hấu hắc mỹ nhân... Năng suất lúa đạt từ 60 - 62 tạ/ha, nâng tổng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác đạt trên 140 triệu đồng/ha, nhiều diện tích đã đạt từ 250 triệu đồng/ha canh tác.

Bên cạnh đó, phát huy lợi thế kinh tế vùng màu ven biển của huyện, xã Phú Lộc đã tích cực chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Hiện nay trên địa bàn xã có 1 trang trại lợn nái ngoại với tổng đàn 1.200 con, 1 trang trại gà hơn 4.000 con và 45 mô hình trang trại tổng hợp. Các mô hình và trang trại đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân trên địa bàn.

Nông nghiệp, nông thôn huyện Hậu Lộc đang đổi mới toàn diện, với mục tiêu về đích huyện nông thôn mới trong năm 2023.

Nông nghiệp, nông thôn huyện Hậu Lộc đang đổi mới toàn diện, với mục tiêu về đích huyện nông thôn mới trong năm 2023.

Tương tự, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí và đã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2021.

Trong đó, xã đã huy động mọi nguồn lực, mở rộng các tuyến đường giao thông, xây dựng hệ thống đèn điện chiếu sáng, gắn bảng tên đường, số nhà và xây mới, nâng cấp nhiều công trình phúc lợi phục vụ dân sinh. Các tiêu chí này cũng được xã lựa chọn là tiêu chí nổi trội để hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong nửa đầu năm 2023.

Xã cũng đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ cho các thôn phát triển hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình sản xuất tập trung, các vùng chuyên canh, các vùng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Hoa Lộc cho biết: "Chúng tôi xác định nhiệm vụ cùng với huyện đẩy nhanh, đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới bằng cách nỗ lực hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, hy vọng huyện sẽ đạt được mục tiêu đề ra, qua đó nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân".

Nước rút “về đích” trong năm 2023

Với những nền tảng đang có, huyện Hậu Lộc đặt mục tiêu về đích huyện nông thôn mới trong năm 2023. Việc phấn đấu về đích huyện nông thôn mới trong giai đoạn có nhiều khó khăn, khi các tiêu chí nâng cao hơn, vì thế, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Hậu Lộc xác định phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cùng với tập trung chỉ đạo các xã về đích nông thôn mới đạt 100%, huyện Hậu Lộc đã thực hiện song song các tiêu chí huyện nông thôn mới theo hướng hoàn thành nhanh và vượt trội các tiêu chí.

Từ đó, huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương và các ngành chức năng thực hiện, tập trung khai thác nguồn lực tại chỗ theo hướng phát huy thế mạnh của mỗi khu vực.

Huyện Hậu Lộc cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các xã phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ, kích cầu xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Toàn huyện đã có 18/21 xã về đích nông thôn mới, 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 19 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người đạt 55,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,71%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên và toàn huyện đã có 12 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

Về tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới, huyện đã đạt 7/9 tiêu chí. Để về đích đúng hẹn trong năm 2023, huyện tiếp tục chỉ đạo thành lập 112 tổ công tác về các thôn tham gia hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thôn nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đề ra 12 giải pháp thực hiện và 6 chương trình hành động trong xây dựng huyện nông thôn mới.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/cho-cu-nuoc-rut-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-hau-loc-1093407.html