Chợ Gạo - Dấu xưa, xe ngựa...

Trong ký ức nhiều cán bộ dầu khí lão thành, Chợ Gạo (TP Hưng Yên) là một trong những địa danh không thể nào quên. Nơi đây, nhiều anh chị em cán bộ, kỹ sư, công nhân đã có một 'thời thanh niên sôi nổi' cùng sinh hoạt, lao động, cống hiến hết mình cho Tổng cục Địa chất (tiền thân của Tổng cục Dầu khí), tạo bệ đỡ vững chắc cho sự 'cất cánh' sau này của ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và Petrovietnam nói riêng.

Tháng 10-1969, Liên đoàn Địa chất 36 (Tổng cục Địa chất) được thành lập, trụ sở đặt tại khu vực Chợ Gạo, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hải Hưng cũ

Tháng 10-1969, Liên đoàn Địa chất 36 (Tổng cục Địa chất) được thành lập, trụ sở đặt tại khu vực Chợ Gạo, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hải Hưng cũ

1. Chúng tôi có mặt ở Hưng Yên vào một ngày cuối tháng Chạp, rét cắt da cắt thịt. Không khó để tìm được địa danh Chợ Gạo, song địa chỉ chính xác - nơi từng là “Đại bản doanh” của Liên đoàn Địa chất thuở nào thì quả thật không phải ai cũng biết.

Sau khi hỏi han khá nhiều người, già có trẻ có, chúng tôi được chỉ dẫn đến Công ty Cổ phần Đay và May Hưng Yên, nằm trên Đại lộ Lê Văn Lương để… hỏi tiếp. Một số người dân ở đây khẳng định, đúng là hơn 50 năm về trước, có nhiều kỹ sư, công nhân bên địa chất từng “đóng quân” tại khu vực này, song họ cũng không biết chính xác ở chỗ nào!

Cuối cùng, chúng tôi phải viện nhờ đến anh bạn hiện công tác tại Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hưng Yên “mối lái” đến ông cụ thân sinh của bạn anh - từng công tác trong ngành địa chất. Ngoài 80 tuổi, ông cụ có biểu hiện “nhớ nhớ quên quên”, nhưng khi nghe cụ nhắc đến “Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh”, anh bạn tôi liền reo lên một tiếng. Anh mau mắn dẫn chúng tôi đến một khu nhà màu vàng, nằm nép dưới những tán xà cừ, tán cây nhãn. Khu nhà này giáp với Đại lộ Lê Văn Lương, chỉ chếch bên kia đường so với Công ty Cổ phần Đay và May Hưng Yên vài trăm mét.

Bước qua cánh cổng với hai trụ lớn, ốp đá màu mận chín nhưng bảng hiệu đã bị gỡ sạch, chúng tôi có mặt tại một nơi rất giống với các cơ quan công sở, hay trường học thời kỳ những năm 1990-2000. Đi sâu vào khoảng sân bê tông, chúng tôi có thể đếm được nhiều dãy nhà cấp 4, mái lợp fibro ximăng, quét ve vàng nhưng đều cũ kỹ, nhiều bức tường hư hỏng nặng. Phía hành lang, đặc biệt là đằng sau những dãy nhà cỏ lác mọc um tùm, lá cây rụng tơi bời…

Nền trời mùa đông xám xịt, không gian hoang vắng, lạnh lẽo nên dù đang giữa trưa mà vẻ u hoài, cô tịch nơi đây khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, chợt ngẫm đến đôi câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

Sau một hồi ngó nghiêng, chúng tôi bất ngờ nghe thấy tiếng xe máy vè vè chạy vào. Mừng quá, tôi túm ngay người tài xế. Ông tự giới thiệu là Nguyễn Duy Hiển, năm nay ngoài 60 tuổi nhưng vẫn đang làm việc tại một công trình xây dựng. Nhà ngay gần đây và cũng có chút quen biết với người bảo vệ nên ông Hiển “tranh thủ” gửi một ít cốp pha tại đây.

Chợ Gạo ngày nay thuộc TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Chợ Gạo ngày nay thuộc TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Theo chân người đàn ông này, chúng tôi đến một dãy nhà mà các cánh cửa đều đã xiêu vẹo, bung hết bản lề. Mái nhà thủng từng mảng lớn. Trong một căn nhà hiện chứa đầy cốp pha, xà gồ… ông Hiển chạy vào lấy ra vài thanh bổ sung cho công trường. Nhắc đến những kỹ sư, công nhân địa chất từng sinh hoạt, lao động tại đây thập niên 70 của thế kỷ XX, ông Hiển bồi hồi nhớ lại.

Thời kỳ đó ông đang là học sinh bậc tiểu học. Nhà khá gần với đoàn địa chất đóng quân nên ông cùng đám trẻ con nghịch ngợm thường xuyên trèo rào vào trong để chơi đùa.

“Khi ấy tại đây chỉ có một dãy nhà hai tầng, dành cho các “ông Tây mũi lõ” (chuyên gia Liên Xô). Còn lại tuyền là dãy nhà tranh vách đất hoặc toocxi. Trên khoảng sân rộng lũ trẻ thường chơi bắn bi, đánh khăng, đánh đáo hoặc dùng súng cao su bắn chim trên các tán cây nhãn. Có lần “đạn lạc” bắn vào cửa kính, hay làm vỡ chai lọ, lũ trẻ run như cầy sấy vì sợ bị mách bố mẹ, đến tai thầy cô giáo. Nhưng rồi các cô chú kỹ sư hiền từ chỉ gọi chúng tôi vào nhắc nhở. Rồi còn cho chúng tôi mượn sách, truyện để đọc…” - ông Hiển kể.

Cũng theo ông Hiển, từ khi “làm quen” với các cô chú cán bộ, kỹ sư địa chất, nhiều đứa trẻ con, học sinh trong khu vực đã mạnh dạn mang sách vở đến nhờ cô chú giải giúp các bài toán, vật lý, hóa học khó. Rồi được học cả tiếng Nga… Nhiều đứa trẻ sau đó thi đỗ đại học, rồi cũng được đi du học…

Một số cán bộ, kỹ sư Liên đoàn Địa chất 36 thời kỳ tại Hưng Yên

Một số cán bộ, kỹ sư Liên đoàn Địa chất 36 thời kỳ tại Hưng Yên

Thời của cán bộ, công nhân địa chất tại khu vực Chợ Gạo kéo dài đến khoảng giữa thập niên 80 thì tạm ngừng. Các đơn vị lần lượt chuyển về Thái Bình, Hà Nội, nhiều cán bộ chuyển vào Bà Rịa - Vũng Tàu… Khi các đơn vị địa chất đã chuyển đi hết, khu vực được giao cho Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh tiếp quản, rồi sau đó là đến Trường Đại học Chu Văn An. Trong khoảng thời gian đó, những dãy nhà tranh vách đất, toocxi mái lá đã được thay bằng nhà gạch, mái lợp fibro ximăng.

Khi Trường Đại học Chu Văn An chuyển đi, nhiều năm nay chưa có đơn vị nào tiếp quản lại khu vực. Đại bản doanh của Liên đoàn Địa chất 36 nay chỉ còn là “một thời vang bóng”.

Thời điểm ở Chợ Gạo, đa phần các anh chị em đều trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết

Thời điểm ở Chợ Gạo, đa phần các anh chị em đều trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết

2. Theo dòng lịch sử, tháng 10-1969, Liên đoàn Địa chất 36 (Tổng cục Địa chất) được thành lập, trụ sở đặt tại khu vực Chợ Gạo. Trực thuộc đơn vị này có các Đoàn 36F (Địa chấn), Đoàn 36Đ (Điện), Đoàn 36T (Trọng lực), Đoàn Địa chất 36C An Châu; Đoàn Khoan cấu tạo 36K và Khoan sâu 36S.

Liên đoàn Địa chất 36 có tổng số 2.300 cán bộ, công nhân, trong đó khoảng 500 cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, với sự giúp đỡ của hàng trăm chuyên gia, kỹ sư, tiến sĩ Liên Xô.

Từ năm 1973, các đoàn 36F, 36T, 36Đ được sáp nhập để thành lập Đoàn Địa vật lý tổng hợp 36F; các đoàn Khoan cấu tạo 36K và Khoan sâu 36S được sáp nhập thành Đoàn khoan 36K; Đoàn 36B được thành lập (tiền thân của Viện Dầu khí Việt Nam) làm nhiệm vụ nghiên cứu địa chất dầu khí.

Theo ký ức của ông Vũ Sơn - một trong những cán bộ đầu tiên của Đoàn 36B - cuối năm 1974 ông nhận nhiệm vụ về công tác tại Chợ Gạo, sau khi Đoàn thành lập được một thời gian. Đoàn 36B gồm hai khối (phòng) là Khối Địa chất do Tiến sĩ Nguyễn Giao phụ trách và Khối Phân tích mẫu do Kỹ sư Lương Trọng Đảng phụ trách. Đoàn trưởng là Kỹ sư Nguyễn Ngọc Sớm - một người con của Nam Bộ, quê ở Sa Đéc, nổi tiếng khi ông còn là sinh viên ở Liên Xô.

Khối Địa chất và Đoàn bộ đóng tại Chợ Gạo (khi ấy là vùng ven ngoại thành), còn Khối Phân tích mẫu, được đóng tại trung tâm thị xã Hưng Yên. Nói là Đoàn bộ cho sang nhưng thực tế là năm dãy nhà lá đơn sơ, tường đất, mái tranh, cửa ra vào là những tấm liếp mỗi khi mở nghe cọt kẹt. Trước mỗi dãy nhà có một giếng đào nông, lấy nước ngấm từ ruộng lúa vào. Đấy là nguồn nước sinh hoạt của cả cơ quan.

Đại bản doanh của Liên đoàn Địa chất 36 nay chỉ còn là một số dãy nhà hoang vắng, lá rụng tơi bời

Đại bản doanh của Liên đoàn Địa chất 36 nay chỉ còn là một số dãy nhà hoang vắng, lá rụng tơi bời

Phía bên trái dãy nhà Đoàn 36B là Đoàn 36F cũng toàn tranh tre, nứa lá. Nơi cổng vào của hai cơ quan có một sân bóng chuyền và nhà ăn tập thể. Cả khu vực này chỉ có một nhà xây kiên cố duy nhất đấy là Xưởng Sửa chữa địa vật lý do anh Nho làm Xưởng trưởng.

“Với tôi, đêm đầu tiên tại Đoàn là một đêm dài, dài vì lạ, dài vì không ngủ được do rất nhiều nguyên nhân: Chưa kịp có chăn đủ ấm vì khi ấy đã sắp vào tuần rét Noel và buổi chiều bụng chỉ được “nạp” chiếc bánh chưng cuối cùng mua ở quán ông Đức ngoài ngã ba Chợ Gạo. Vì muốn ăn cơm nhà bếp thì phải báo cơm từ hôm trước” - ông Sơn nhớ lại.

Sáng sáng cứ nghe tiếng kẻng là mọi người đến phòng làm việc vào 7 giờ 30 phút. Hành trang của người địa chất lúc bấy giờ thật là đơn giản: sách kỹ thuật để tra cứu, bút chì đen, chì màu, giấy can, giấy milimét, giấy croky, vài lưỡi dao cũ Neva của Liên Xô để gọt bút chì cho nhọn, còn khi đi khảo sát có thêm địa bàn và bản đồ địa hình. Khối Phân tích mẫu đóng tại thị xã Hưng Yên gồm chủ yếu là nữ, phần lớn là trung cấp. Thời kỳ đầu, công tác chủ yếu là phân tích mẫu nước, silicat, cổ sinh, thạch học phục vụ cho tiến trình khoan thăm dò tại Đồng bằng sông Hồng và do các đoàn địa chất gửi về.

Ở độ tuổi 23-25 đầy sức sống, mọi người miệt mài làm việc, tra cứu, phân tích mẫu, làm theo những gì đã được học ở nhà trường và được chuyên gia Liên Xô hướng dẫn để xây dựng cơ quan mới. Đấy là những bước đi đầu tiên của công tác nghiên cứu địa chất dầu khí Việt Nam.

Từ năm 1970 đến 1985, mùa đông ở miền Bắc rất rét, nhất là vào dịp Noel. Rét vì thời tiết đã đành, nhưng còn rét hơn là cái rét do cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Vì ngày nào cũng chỉ có hai bữa cơm đạm bạc, thức ăn thì chủ yếu là rau dưa, vừng… Mỗi bữa cơm thường chỉ được một lần xới, còn lại ngô hoặc một chiếc bánh bao cứng lan tỏa mùi mốc của chất làm ra nó, vì bột mì là do nước ngoài viện trợ đã để lâu ngày. Nhưng không một ai kêu ca, cuộc sống nơi cơ quan thật là yêu đời, pha chút lãng mạn, hồn nhiên của tuổi trẻ. Tối tối lại tụ tập ở sân bóng để xem các tập của bộ phim Xôviết nổi tiếng “Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân”.

Ông Nguyễn Duy Hiển, một trong những nhân chứng thời Liên đoàn Địa chất 36 tại Chợ Gạo

Ông Nguyễn Duy Hiển, một trong những nhân chứng thời Liên đoàn Địa chất 36 tại Chợ Gạo

Còn theo ký ức của ông Nguyễn Quyết Thắng, chuyên gia địa chất dầu khí Petrovietnam, nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh Điều hành chung Lam Sơn (LSJOC), những năm 1973-1980, đây là một trong những khu vực “sôi động” của thị xã Hưng Yên, tỉnh Hải Hưng (cũ).

Khu phố đặt đại bản doanh của đơn vị từng được gọi là “phố Tây” bởi sự có mặt của các chuyên gia Liên Xô, đồng thời khá “náo nhiệt” khi các du học sinh về nước đem theo xe máy Con Cò, Start, Spac, xe đạp cuốc…

Các chuyên gia Liên Xô được ưu tiên sinh hoạt tại dãy nhà hai tầng duy nhất, còn cán bộ Việt Nam sinh hoạt tại nhiều dãy nhà toocxi, “biên chế” khoảng 10 người một gian.

Cũng theo ông Nguyễn Quyết Thắng, bộ mặt khu phố nghèo Chợ Gạo gần như thay đổi hẳn khi các đơn vị thuộc Liên đoàn Địa chất về đóng quân. Và, thay vì ghi địa chỉ là “Chợ Gạo”, các kỹ sư nhà ta thay bằng cái địa chỉ khá “kêu” nổi tiếng một thời: “Phòng Nghiên cứu tổng hợp, Đoàn Nghiên cứu chuyên đề 36B, thị xã Hưng Yên, Hải Hưng”. Thư từ nhìn chung vẫn tới nơi nhưng nếu không phải dân địa phương thì để tìm đúng địa chỉ quả rất khó. Nghe đâu có lần người thân của cán bộ từ xa tìm về đơn vị con để thăm nom, nhưng đạp xe tìm suốt cả ngày theo địa chỉ này mà không tài nào tìm thấy, đành đạp xe quay về!

Ở độ tuổi 23-25 đầy sức sống, mọi người miệt mài làm việc, tra cứu, phân tích mẫu, làm theo những gì đã được học ở nhà trường và được chuyên gia Liên Xô hướng dẫn để xây dựng cơ quan mới. Đấy là những bước đi đầu tiên của công tác nghiên cứu địa chất dầu khí Việt Nam.

Rồi câu chuyện kỹ sư nhà ta được “một bữa no” cũng được nhà thơ Nguyễn Quyết Thắng kể lại rất hóm. Sự là một ngày nọ, anh Hoàng Văn Hanh được một cán bộ xã láng giềng mời xuống xã sửa giúp chiếc đài Rigonda cho Ủy ban. Anh Hanh vốn là xưởng trưởng của Xưởng Sửa chữa đoàn 36F, đồng thời cũng là chuyên gia điện tử, một “bác sĩ” lừng danh của các loại đài bán dẫn và tivi “đồng nát”.

Anh Hanh mải mê chữa mà không để ý tới tiếng gà, tiếng vịt “hấp hối” xen lẫn tiếng cười nói hân hoan ở phòng bên. Đến gần trưa và việc cũng đã xong, một cán bộ vai vắt khăn bông, tay bê chậu nước vào để anh rửa tay rồi mời sang hội trường. Anh Hanh giật mình định rút lui thì đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách văn-xã đã chộp lấy tay anh và cảm ơn rối rít.

Ông hướng về phía mọi người dõng dạc: “Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Ủy ban, các đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã, các đại diện đoàn thể. Hôm nay, nhân ngày Chủ nhật, được sự chiếu cố lãnh đạo Đoàn Địa chất, trên thị xã đã cử anh Hanh, chuyên gia điện tử xuống giúp xã ta. Để tỏ lòng biết ơn, chúng tôi có làm mấy mâm cơm rau và chút rượu quê mời anh Hanh và tất cả các đồng chí cùng chung vui nhân sự kiện quan trọng này. Xin mọi người nâng cốc!”...

Vị cựu kỹ sư Đoàn 36B chia sẻ thêm, trong thời gian sinh hoạt và lao động tại Chợ Gạo, ông cùng với các đồng nghiệp đã có hàng trăm chuyến công tác khắp Đồng bằng châu thổ sông Hồng, rồi lên cả Yên Bái, vòng xuống TP Hải Phòng để ra huyện đảo Bạch Long Vĩ nghiên cứu và thu thập tài liệu. Đoàn 36B đã hoàn thành nhiều công trình, đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, xứng đáng là một đơn vị nghiên cứu khoa học đầu ngành Dầu khí thuở sơ khai.

Có thể thấy, dù gặp vô vàn khó khăn, nhưng lớp lớp cán bộ, công nhân Liên đoàn Địa chất 36 đều lao động, học tập quên mình vì ngành Dầu khí, tạo bệ đỡ vững chắc cho sự “cất cánh” sau này của Petrovietnam.

Thật tiếc thế hệ cán bộ dầu khí hiện tại chỉ còn được nghe kể về một thời sôi nổi của cha anh. Và những dấu tích để lại khu Chợ Gạo nay chỉ còn là “Hồn thu thảo, bóng tịch dương…”.

Thời của cán bộ, công nhân địa chất tại khu vực Chợ Gạo kéo dài đến khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ XX thì tạm ngừng... Đại bản doanh của Liên đoàn Địa chất 36 nay chỉ còn là “một thời vang bóng”.

Đoàn Ngọc Yên Chi

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cho-gao-dau-xua-xe-ngua-724040.html