Đưa Tuyên Quang trở thành một trung tâm du lịch tâm linh đặc sắc

Chiều 19-2, tại thành phố Tuyên Quang, UBND thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống người dân Tuyên Quang'.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: UBND thành phố Tuyên Quang

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: UBND thành phố Tuyên Quang

Dự tọa đàm có gần 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành đến từ các cơ quan, đơn vị, trường đại học, viện nghiên cứu... trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và cả nước.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp ý kiến trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu, thiền phái Trúc Lâm gắn với việc khai thác giá trị của các di tích trên địa bàn Tuyên Quang, hướng tới phát triển du lịch bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang Vũ Quỳnh Loan chia sẻ: Không chỉ là vùng đất gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc, Tuyên Quang còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa tâm linh Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm, hai dòng chảy tín ngưỡng thuần Việt - Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm đã cùng song hành trong đời sống tinh thần của người dân, tạo nên bản sắc đặc trưng, giúp Tuyên Quang không chỉ là vùng đất của lịch sử và cách mạng mà còn trở thành điểm đến tâm linh linh thiêng của du khách thập phương.

Tuyên Quang được mệnh danh là vùng đất Mẫu. Ảnh: UBND thành phố Tuyên Quang

Tuyên Quang được mệnh danh là vùng đất Mẫu. Ảnh: UBND thành phố Tuyên Quang

Hai dòng tín ngưỡng này tuy mang những sắc thái khác nhau nhưng cùng chung giá trị cốt lõi là giữ gìn nền tảng đạo đức, nâng cao đời sống tinh thần, kết nối cộng đồng và hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Tín ngưỡng thờ Mẫu được hình thành ở Tuyên Quang vào đầu thế kỷ XVII và phát triển mạnh vào thế XVIII. Nơi đây được coi là nơi phát tích của Mẫu Đệ Tam - vị thần cai quản vùng sông nước. Cũng bởi hệ thống di tích thờ Mẫu dày đặc nên Tuyên Quang được coi là vùng đất Mẫu.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 40 ngôi chùa bao gồm 15 phế tích và 25 ngôi chùa đang hoạt động, có trên 30 điểm di tích tâm linh với 14 đền thờ Mẫu, chủ yếu nằm tại thành phố Tuyên Quang. Trong đó có nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút khách du lịch như: Thiền viện Trúc Lâm, chùa Hang, đền Ỷ La, đền Mỏ Than, đền Cảnh Xanh...

Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp - điểm du lịch tâm linh đặc sắc của Tuyên Quang. Ảnh: UBND thành phố Tuyên Quang

Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp - điểm du lịch tâm linh đặc sắc của Tuyên Quang. Ảnh: UBND thành phố Tuyên Quang

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương, để đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân và phát huy các giá trị tâm linh gắn với phát triển du lịch, Tuyên Quang xác định du lịch văn hóa tâm linh là một trong ba loại hình du lịch góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Để du lịch tâm linh phát triển và mang lại những giá trị văn hóa tốt đẹp, thời gian qua, cùng với việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị cảnh quan di sản, Tuyên Quang đã xây dựng nhiều tour, tuyến du lịch hợp lý, tạo ra sự đồng bộ, lan tỏa, quản lý thống nhất trong các hoạt động văn hóa tín ngưỡng gắn với hoạt động phát triển du lịch. Thành phố Tuyên Quang cũng xác định sẽ trở thành trung tâm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng; xây dựng sản phẩm du lịch bổ trợ, gắn kết du lịch tâm linh với du lịch lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng.

Đền Ỷ La, một trong những đền thờ Mẫu nổi tiếng của Tuyên Quang. Ảnh: UBND thành phố Tuyên Quang

Đền Ỷ La, một trong những đền thờ Mẫu nổi tiếng của Tuyên Quang. Ảnh: UBND thành phố Tuyên Quang

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm ở Tuyên Quang đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Những vấn đề như biến tướng tín ngưỡng, thương mại hóa lễ hội, sự mai một trong thực hành nghi lễ truyền thống và tác động của du lịch tâm linh đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc bảo tồn và phát triển bền vững hai di sản quý báu này.

Để hai tín ngưỡng này thực sự được gìn giữ và phát huy đúng với bản chất vốn có, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, cần có sự chung tay của nhiều phía, từ chính quyền, các nhà nghiên cứu, người thực hành tín ngưỡng đến cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức về giá trị nhân văn, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, chống thương mại hóa tín ngưỡng và gắn kết với du lịch tâm linh bền vững là những giải pháp quan trọng cần được triển khai đồng bộ.

Nhằm phát huy giá trị của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống nhân dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương cho rằng, cần đầu tư nghiên cứu sâu hơn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các tín ngưỡng để tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa các địa phương, giữa các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; công tác truyền thông về Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm cần tạo dấu ấn bằng cách đổi mới cách tiếp cận, ứng dụng công nghệ số để lan tỏa các giá trị di sản văn hóa đến với công chúng trong nước và quốc tế.

Song song với đó, cơ quan quản lý văn hóa cần quan tâm, đồng hành, định hướng để văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo thực sự là sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh; đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, đưa Tuyên Quang trở thành một trung tâm du lịch tâm linh đặc sắc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Linh Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dua-tuyen-quang-tro-thanh-mot-trung-tam-du-lich-tam-linh-dac-sac-693640.html