'Chợ mạng' bùng nổ doanh thu các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán

Sự phát triển của thương mại điện tử đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, cận Tết Nguyên đán, thay vì chen chân tại các cửa hàng siêu thị, nhiều người đã lựa chọn phương án đặt hàng online tiện lợi…

 Người tiêu dùng có xu hướng sắm Tết trên các sàn thương mại điện tử

Người tiêu dùng có xu hướng sắm Tết trên các sàn thương mại điện tử

Dịp Tết Nguyên đán, các sàn thương mại điện tử đã chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng đối với một số mặt hàng thiết yếu. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của kênh bán hàng trực tuyến và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế số.

MỨT TẾT DOANH THU TĂNG TRƯỞNG 3 CHỮ SỐ

Theo số liệu từ nền tảng EcomHeat của Công ty nghiên cứu thị trường thương mại điện tử YouNet ECI, dựa trên cơ sở dữ liệu doanh thu đa ngành hàng thu thập từ 4 nền tảng Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki cho thấy một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán có mức tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong thời gian 4 tuần trước Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 22/12/2024 đến ngày 18/1/2025, 6 ngành hàng gồm mứt, hoa quả sấy khô, kẹo, bánh, rượu, nước có ga lần lượt tăng trưởng về doanh thu ở mức 108%, 96%, 78%, 56%, 47%, 46% trên các sàn so với 4 tuần liền trước đó.

Tổng cộng về giá trị giao dịch, 6 ngành hàng này mang về 390 tỷ đồng từ kênh thương mại điện tử trong vòng chỉ 4 tuần. Bán chạy nhất là các sản phẩm bánh, mang về hơn 32 tỷ đồng/tuần và hoa quả sấy khô hơn 29 tỷ đồng/tuần.

Sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng của các mặt hàng mứt, kẹo, bánh và bia rượu trong mùa Tết cho thấy một bức tranh rõ nét về nhu cầu tiêu dùng của người dân. Con số tăng trưởng lên đến 50-100% so với cùng kỳ năm trước là một minh chứng rõ ràng cho việc người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để chuẩn bị cho dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

Mặt khác, những con số doanh thu từ sàn thương mại điện tử cho thấy người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều trong thói quen mua sắm, đặc biệt là đối với các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm đồ uống. Sự tiện lợi, đa dạng sản phẩm và những ưu đãi hấp dẫn đã khiến thương mại điện tử trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người.

Cũng theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý 3/2024 do Metric phát hành, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm, với doanh số và sản lượng sản phẩm đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của các kênh bán hàng trực tuyến, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm cuối và đầu năm.

CẨN TRỌNG HÀNG GIẢ, HÀNG NHÁI

Tuy nhiên, khi người tiêu dùng đang phụ thuộc nhiều vào các sàn thương mại điện tử cũng dễ dẫn tới nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng.

Để hạn chế tình trạng này, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết đã yêu cầu chủ các sàn thương mại điện tử rà soát và tăng cường kiểm duyệt người bán, loại bỏ và ngăn chặn kịp thời các gian hàng vi phạm, kiểm soát các sản phẩm/dịch vụ, đặc biệt đối với nhóm hàng hóa có điều kiện như thực phẩm, dược phẩm, rượu, bia...

Riêng các sản phẩm liên quan đến pháo hoa, pháo nổ nhập lậu trên sàn thương mại điện tử, Cục đã thực hiện rà soát và yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử thực hiện theo quy định, kết quả các đã gỡ bỏ 567 sản phẩm và ngăn chặn 121 gian hàng vi phạm.

 Nhiều người quan ngại về việc phải chen chúc sắm Tết trong các siêu thị, trung tâm thương mại

Nhiều người quan ngại về việc phải chen chúc sắm Tết trong các siêu thị, trung tâm thương mại

Trong năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thanh tra 7 đơn vị, xử phạt hành chính 222 triệu đồng, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hơn 341 website/ứng dụng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ngoài việc phối hợp xử lý hành chính, Cục còn cung cấp thông tin đến các cơ quan điều tra công an nhằm xác minh các đối tượng có dấu hiệu vi phạm hình sự, chuyển hồ sơ xử lý đối với hơn 341 website/ứng dụng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến cơ quan cảnh sát điều tra tại TP.HCM, Hà Nội, Đắk Nông, Hải phòng, Hưng Yên... và lực lượng quản lý thị trường tại trung ương và địa phương…

Theo báo cáo Xu hướng mua sắm Tết 2025 được Kantar Worldpanel Việt Nam - thuộc công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Anh, cũng dự báo hành vi mua sắm Tết của người Việt dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ có nhiều thay đổi.

Tình hình tài chính của các gia đình đang dần ổn định nhưng chưa hoàn toàn phục hồi so với trước Covid-19. Điều này tác động nhiều đến hành vi mua sắm của họ. Người tiêu dùng sẽ tiếp tục so sánh giá cả, khám phá các kênh khác nhau để có được ưu đãi tốt nhất và ưu tiên các dịch vụ hướng đến giá trị.

Kantar dự đoán tốc độ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh trong dịp Tết 2025 sẽ đạt 1-3%, trong đó khu vực thành thị có mức tăng trưởng thấp hơn khu vực nông thôn. "Những sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức, đồng thời mang lại giá trị và những nhu cầu thiết yếu sẽ được đặc biệt ưu ái trong dịp Tết 2025. Người tiêu dùng Việt mong muốn một mùa Tết an nhàn, thoải mái khi có thể dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình", báo cáo đánh giá.

Hạ Lan

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/cho-mang-bung-no-doanh-thu-cac-san-pham-phuc-vu-tet-nguyen-dan-post557411.html