Cho vay ngang hàng tại Trung Quốc sau khủng hoảng và sandbox tại Việt Nam
Tuy thị trường cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã gần như chấm dứt, nhưng những bài học từ quá trình bùng nổ rồi sụp đổ của mô hình này vẫn còn nguyên giá trị...

Nguồn: chinadaily.com
Cho vay ngang hàng ở Trung Quốc: từ bùng nổ đến sụp đổ
Thị trường cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Trung Quốc đã trải qua giai đoạn phát triển bùng nổ từ năm 2007-2018. Khi vừa xuất hiện, P2P Lending được kỳ vọng sẽ trở thành một “sáng kiến tài chính” phục vụ mục tiêu tài chính toàn diện, giúp người dân ở các khu vực nông thôn và thuộc nhóm không tiếp cận được tín dụng truyền thống có cơ hội vay vốn dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường này dần đi chệch hướng. Do lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động cho vay, không ít doanh nghiệp đã tự ý chuyển đổi thành trung gian tín dụng, trực tiếp cung cấp các dịch vụ tài chính và trở thành bên cho vay thực sự thông qua nhiều thủ thuật lách luật. Điều này dẫn đến hàng loạt hệ lụy như gian lận, lừa đảo, huy động vốn bất hợp pháp và gây ra thiệt hại lớn cho người dân.
Trước năm 2016, hoạt động P2P Lending ở Trung Quốc chủ yếu tự phát trong bối cảnh trống vắng khung pháp lý. Sau gần 10 năm phát triển nóng, Chính phủ Trung Quốc buộc phải can thiệp để thanh lọc thị trường. Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt về quản lý khi chức năng giám sát thị trường này được giao cho Ủy ban Quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBRC, nay là CBIRC). Cùng năm, nhóm công tác đặc biệt về chỉnh đốn rủi ro P2P Lending cũng được thành lập.
Từ năm 2016 đến gần đây, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được khung pháp lý điều chỉnh trực tiếp hoạt động P2P Lending. Các doanh nghiệp buộc phải “lách luật” để đăng ký dưới các ngành nghề kinh doanh như dịch vụ cầm đồ, tư vấn đầu tư hoặc môi giới tài chính..., khiến thị trường phát triển tự phát, thiếu kiểm soát, biến tướng và tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng cho cả người dùng lẫn hệ thống tài chính.
Ngay sau đó, Thông tư số 01 (2016) quy định về các biện pháp tạm thời quản lý hoạt động kinh doanh của các trung gian thông tin cho vay trực tuyến chính thức được ban hành. Đây được xem là dấu mốc quan trọng thể hiện thái độ kiên quyết của Trung Quốc trong việc quản lý thị trường P2P Lending.
Trong bối cảnh đó, bên cạnh một số nền tảng đã nỗ lực điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu mới, một bộ phận lớn doanh nghiệp đã buộc phải ngừng hoạt động do không thể đáp ứng tiêu chuẩn quản lý ngày càng nghiêm ngặt.
Đến năm 2017, CBRC và các cơ quan quản lý liên quan đã ban hành thêm các hướng dẫn về quản lý đăng ký hoạt động, lưu trữ hồ sơ, lưu ký và công bố thông tin minh bạch. Khi các điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn ngành nghề được siết chặt, kết hợp với hoạt động thanh, kiểm tra gắt gao, số lượng nền tảng P2P Lending hoạt động hợp pháp liên tục giảm mạnh và đến năm 2021, thị trường này gần như không còn tồn tại.
Quan sát cho thấy, số ít các nền tảng P2P Lending chân chính còn sót lại ở Trung Quốc đã tiến hành chuyển đổi hoạt động theo ba hướng chính: (i) chuyển sang hình thức cho vay trực tuyến khác như công ty tín dụng vi mô hoặc tài chính tiêu dùng, (ii) trở thành tổ chức hỗ trợ khoản vay, đóng vai trò kết nối các tổ chức tài chính với người vay; hoặc (iii) phát triển thành nền tảng quản lý tài sản toàn diện, đại lý tiếp thị và tư vấn dịch vụ tài chính.
Trong đó, việc lựa chọn chuyển đổi sang mô hình công ty tín dụng vi mô được đánh giá là lựa chọn khả thi và tiềm năng nhất. Mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp tục tồn tại và duy trì được định hướng kinh doanh cốt lõi trong lĩnh vực cho vay trực tuyến, mà còn đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động giám sát của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không hề đơn giản. Do những yêu cầu nghiêm ngặt về vốn, kỹ thuật và quản trị, chỉ một số rất ít doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện và hoàn tất quá trình chuyển đổi.
Tuy thị trường P2P Lending tại Trung Quốc đã gần như chấm dứt, nhưng những bài học từ quá trình bùng nổ rồi sụp đổ của mô hình này vẫn còn nguyên giá trị. Hệ lụy để lại không chỉ dừng ở thiệt hại tài chính mà còn lan rộng tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế và đời sống xã hội. Hàng loạt vấn đề pháp lý phức tạp phát sinh mà các cơ quan quản lý nước này phải đối mặt và giải quyết, từ giải quyết tranh chấp dân sự, xử lý hình sự đến việc tái cấu trúc lại thị trường tài chính tiêu dùng.
Nhiều hậu quả nghiêm trọng vẫn chưa thể khắc phục triệt để, có thể kể đến như: (i) hàng triệu người dân mất trắng tiền đầu tư; (ii) khởi kiện, tranh chấp kéo dài; và (iii) niềm tin của người dân vào thị trường tài chính bị xói mòn nghiêm trọng. Thực tế đó càng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quản lý nhà nước trong việc định hướng sự phát triển của công nghệ tài chính (FinTech). Đồng thời, nó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thiết lập một hành lang pháp lý chủ động, linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với những biến động của thị trường tài chính số trong tương lai.
Sandbox tại Việt Nam: Một bước đi thận trọng?
Quay trở lại Việt Nam, thị trường P2P Lending bắt đầu manh nha hình thành từ năm 2016 và phát triển nhanh trong những năm tiếp theo. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến năm 2020, khoảng 100 doanh nghiệp cung cấp giải pháp P2P Lending đã xuất hiện với nhiều cấp độ khác nhau, từ giai đoạn thử nghiệm kỹ thuật đến vận hành chính thức. Trong số đó, phần lớn nền tảng có yếu tố nước ngoài, xuất phát từ Trung Quốc, Nga, Indonesia, Sinpapore...
Một hướng đi được nhiều chuyên gia đánh giá cao là tăng cường hợp tác giữa ngân hàng truyền thống và doanh nghiệp FinTech. Sự phối hợp này không chỉ giúp chia sẻ rủi ro, mà còn góp phần tạo ra một hệ sinh thái tài chính lành mạnh và bền vững hơn.
Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được khung pháp lý điều chỉnh trực tiếp hoạt động này. Các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường này buộc phải “lách luật” để đăng ký dưới các ngành nghề kinh doanh như dịch vụ cầm đồ, tư vấn đầu tư hoặc môi giới tài chính. Việc thiếu hành lang pháp lý phù hợp đã khiến thị trường phát triển tự phát, thiếu kiểm soát, biến tướng và tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng cho cả người dùng lẫn hệ thống tài chính.
Một số vụ việc gây xôn xao dư luận trong những năm gần đây đã phơi bày rõ mặt trái của tình trạng “thử nghiệm không kiểm soát”, tranh sáng tranh tối đội lốt “sáng kiến tài chính số”. Đáng chú ý, Công an TPHCM từng triệt phá một số ứng dụng P2P Lending trá hình như “Vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online” với hoạt động cho vay lãi nặng có mức lãi suất thực tế lên tới 1.095%/năm. Không ít ứng dụng khác công bố lãi suất quảng cáo chỉ từ 20%/năm, nhưng thực chất lại thu lợi từ các khoản phí ẩn, phí phạt, dẫn đến tổng chi phí vay thực tế gấp nhiều lần con số công khai.
Thực trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây tổn hại đến hình ảnh cơ quan quản lý nhà nước, làm méo mó định hướng đổi mới sáng tạo và phá vỡ niềm tin vào thị trường FinTech nội địa.
Trước bối cảnh này, việc Chính phủ ban hành Nghị định 94/2025/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với công nghệ tài chính (bao gồm dịch vụ cho vay ngang hàng) được xem là một bước đi cần thiết và phù hợp. Nghị định này phần nào lấp được khoảng trống pháp lý đã tồn tại suốt gần một thập niên và tạo ra một khuôn khổ thử nghiệm có giới hạn và có giám sát. Qua đó, ba mục tiêu được hướng đến, bao gồm: (i) đo lường và đánh giá hiệu quả, rủi ro của giải pháp cho vay ngang hàng; (ii) ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro và tác động tới người tiêu dùng; (iii) xây dựng các chính sách và triển khai các hành động phản ứng pháp lý phù hợp khi chính thức nhân rộng dịch vụ này trên thị trường.
Việc ban hành sandbox tuy muộn nhưng vẫn mang tính bước ngoặt, thể hiện sự thay đổi trong tư duy quản lý, từ bị động ứng phó sang chủ động định hướng và kiểm soát thị trường. Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, hiện đại và linh hoạt hơn trong tương lai.
Vận hành sandbox không hề đơn giản
Thách thức lớn nhất nằm ở chỗ làm sao cân bằng được giữa hai mục tiêu là thúc đẩy đổi mới và kiểm soát rủi ro. Nếu quản lý quá chặt, sẽ bóp nghẹt sáng tạo. Nhưng nếu buông lỏng, có thể tạo ra những rủi ro mang tính dây chuyền và gây tổn hại đến người tiêu dùng lẫn thị trường tài chính nói chung.
Ngay trong giai đoạn sắp tới, việc chọn lọc doanh nghiệp nào đủ điều kiện tham gia sandbox là một bài toán khó. NHNN sẽ phải rất cẩn trọng trong quá trình tuyển chọn để đảm bảo công bằng và giữ được niềm tin vào sự minh bạch của chính sách. Một vấn đề không nhỏ khác cũng đáng được quan tâm đó là sau giai đoạn thử nghiệm, các doanh nghiệp FinTech sẽ đi về đâu? Nếu không có sẵn một kế hoạch chuyển tiếp rõ ràng từ sandbox sang khung pháp lý chính thức thì Việt Nam hoàn toàn có thể lặp lại sự lúng túng mà Trung Quốc từng trải qua.
Vấn đề then chốt vẫn là năng lực giám sát và thực thi trên thực tế. Hiện nay, không ít ý kiến lo ngại rằng các cơ quan quản lý dù có rất nhiều nỗ lực nhưng vẫn thiếu nhân lực chuyên môn, thiếu hệ thống công nghệ để theo dõi sát hoạt động của các nền tảng FinTech. Mà khi giám sát còn mỏng, thì nguy cơ gian lận, lợi dụng kẽ hở hay thậm chí là “lách luật” dưới danh nghĩa sandbox là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó, một hướng đi được nhiều chuyên gia đánh giá cao là tăng cường hợp tác giữa ngân hàng truyền thống và doanh nghiệp FinTech. Sự phối hợp này không chỉ giúp chia sẻ rủi ro, mà còn góp phần tạo ra một hệ sinh thái tài chính lành mạnh và bền vững hơn.
Nhìn chung, sandbox đối với FinTech nói chung và P2P Lending nói riêng là một bước đi đúng hướng, thận trọng và cần thiết. Song bài học từ Trung Quốc vẫn còn nguyên tính thời sự. Việt Nam có tránh được “vết xe đổ” đó hay không, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự tỉnh táo, chủ động và khả năng điều hành linh hoạt của cơ quan quản lý. Hy vọng rằng sandbox sẽ không chỉ là một cái tên mang tính hình thức, mà thực sự trở thành bệ phóng cho một thị trường tài chính số vừa năng động, vừa an toàn.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM