Lương cao, luật mới: Dạy thêm chưa có hồi kết?

Luật Nhà giáo sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, lần đầu tiên tạo hành lang pháp lý riêng cho hơn một triệu giáo viên. Dù quy định xếp lương cao nhất được kỳ vọng giúp giáo viên yên tâm cống hiến, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thừa nhận: lương chỉ là một phần trong bài toán dạy thêm, học thêm.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Nội dung quy định của Luật Nhà giáo tập trung vào 5 chính sách lớn về nhà giáo đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lí nhà nước về nhà giáo.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” về chính sách

Đối với đội ngũ hơn một triệu nhà giáo trên toàn quốc, Luật Nhà giáo là hành lang pháp lý quan trọng, kiến tạo các chính sách đầy đủ và tốt hơn để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến với nghề.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Đối với ngành Giáo dục, Luật Nhà giáo khẳng định vị thế, vai trò chủ động của ngành trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Trong đó, Luật thống nhất giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng nhà giáo, phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tự chủ tuyển dụng nhà giáo.

Luật giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là bước điều chỉnh quan trọng nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa thiếu đội ngũ giáo viên.

Từ đó, Bộ GD&ĐT chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong tương lai.

Dạy thêm không chỉ vì lương

Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ sự thấu hiểu sâu sắc trước những trăn trở, thiệt thòi của đội ngũ giáo viên hợp đồng, những người vẫn đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, giáo viên hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Luật lao động, nên việc xếp lương phải thực hiện theo cơ chế thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Cũng theo Thứ trưởng, việc quy định xếp lương nhà giáo ở mức cao nhất cũng là một căn cứ quan trọng để các bên thỏa thuận với nhau, từ đó bảo đảm quyền lợi cho giáo viên hợp đồng, tạo điều kiện để họ được đãi ngộ xứng đáng với công sức, trí tuệ và sự cống hiến.

Liên quan vấn đề, xếp lương nhà giáo ở mức cao nhất có giúp giảm tình trạng dạy thêm, học thêm hay không, ông Thưởng khẳng định: “Thông tư 29 của Bộ GDĐT không cấm dạy thêm, học thêm, mà chỉ cấm việc dạy thêm, học thêm tràn lan, sai quy định”.

Việc giáo viên có dạy thêm hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ là mức lương. Có thầy cô rất tâm huyết, sẵn sàng dạy miễn phí, có người nhận phí mang tính tượng trưng để phụ huynh yên tâm hơn. Quan trọng là hoạt động dạy thêm phải được quản lí chặt chẽ, đúng quy định, minh bạch và vì lợi ích học sinh.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, thông tư đặt ra các quy định rất rõ ràng nhằm bảo vệ quyền lợi học sinh, giữ gìn phẩm chất nhà giáo, đồng thời nghiêm cấm việc giáo viên dạy thêm chính học sinh mình đã dạy trên lớp, tránh xung đột lợi ích và đảm bảo chất lượng giáo dục trong giờ chính khóa.

Với những quy định như vậy cũng để những giáo viên giỏi, có tâm, được phụ huynh tin tưởng có thể dạy thêm một cách chính đáng, không bị hiểu nhầm hay mang tiếng ép buộc học sinh.

“Vì thế, đồng lương chỉ là một trong những yếu tố thôi. Việc xếp lương cao là một phần trong nỗ lực tôn vinh, bảo vệ danh dự nhà giáo, đi đôi với trách nhiệm và sự cống hiến ngày càng cao hơn của đội ngũ này”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/luong-cao-luat-moi-day-them-chua-co-hoi-ket-post1759387.tpo