Chống lãng phí và những việc cần làm ngay
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi; tiết kiệm là phải biết cân đối, tính toán các nguồn lực để chi phí bỏ ra nhỏ nhất mà lại đạt được mục tiêu cao nhất; tiết kiệm để phục vụ kháng chiến và kiến quốc, tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước, góp phần nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.
Nguyên nhân của lãng phí là do quan liêu, thiếu trách nhiệm, tính toán không cẩn thận, phô trương hình thức... Lãng phí là không lấy của công đút túi. Song, hậu quả cũng lại rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi còn tai hại hơn tham ô. Để lãng phí như gió vào nhà trống, tham ô có tội, lãng phí cũng có tội, để lãng phí là có tội với dân.
Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hiện nay, một số dạng thức của lãng phí nổi lên gay gắt. Đặc biệt, vừa phải chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa phải quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Lãng phí và phòng chống lãng phí là một vấn đề lớn, hệ trọng hiện nay, lãng phí thường đi liền với tham nhũng, là con đẻ của tệ tham nhũng. Nếu không có những giải pháp đồng bộ phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả, lãng phí sẽ trầm trọng hơn, đe dọa đến an nguy của quốc gia, dân tộc và sự tồn vong của chế độ. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, chỉ đạo quyết liệt để triển khai ngay các công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống lãng phí; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và những quy định về phòng, chống lãng phí; tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí. Kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch vào cấp ủy khóa mới những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lãng phí, tiêu cực.
Cần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội; tiếp tục tạo chuyển biến tốt trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở theo phương châm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải từ cơ sở, từ chi bộ. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung chức năng của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh để chỉ đạo cả công tác phòng, chống lãng phí, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ, cải cách hành chính, xử lý hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt”; khắc phục bệnh “sợ trách nhiệm”, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm; không được lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để cản trở hoạt động phát triển hoặc trục lợi.
Với những quyết tâm chính trị cao độ của hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, chắc chắn rằng, công tác phòng, chống lãng phí thời gian tới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo chiều sâu, đúng với tinh thần kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để kịp thời lo cho dân, mọi người dân đều có ăn, có mặc, được học hành, được chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, có nhà ở, được hưởng quyền làm chủ theo quy định của pháp luật, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đại tá, TS PHẠM DUY VỤ
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chong-lang-phi-va-nhung-viec-can-lam-ngay-805134