Chủ động phòng ngừa các loại dịch bệnh truyền nhiễm

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh truyền nhiễm, ngành y tế tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân,

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Chung Tấn Thịnh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh ghi nhận một số bệnh truyền nhiễm đáng chú ý như sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi. Từ đầu năm đến nay, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 161 trường hợp, giảm 53,1% so cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, nguy cơ gia tăng trở lại là hoàn toàn có thể xảy ra khi mùa mưa bắt đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh trong môi trường nước đọng.

Bệnh tay chân miệng tiếp tục xảy ra chủ yếu ở trẻ em, nhất là tại các trường mầm non và mẫu giáo. Toàn tỉnh ghi nhận 231 ca, giảm 17,8% so cùng kỳ năm trước. Dù số ca có xu hướng giảm, nhưng đây vẫn là bệnh dễ lây lan, cần được giám sát chặt chẽ.

Bệnh sởi hiện có số ca mắc cao trên cả nước. Riêng Kiên Giang, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận 1.361 ca, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc trong 4 tuần gần đây có xu hướng giảm, nhưng đa số ca bệnh đều là trẻ em chưa được tiêm đủ vaccine phòng sởi, cho thấy nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn.

Ngoài ra, ngành y tế tiếp tục theo dõi các bệnh nguy hiểm khác như COVID-19, não mô cầu, cúm gia cầm. Riêng COVID-19 ghi nhận 3 trường hợp, không có ca nặng, nhưng vẫn cần chủ động, tăng cường phòng, chống COVID-19.

- Phóng viên: Giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn giao mùa hiện nay?

- Ông Chung Tấn Thịnh: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ngành Y tế triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và chủ động như tăng cường giám sát dịch tễ tại cộng đồng, cơ sở y tế và trường học để phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh, khử khuẩn môi trường; đẩy mạnh tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em và tăng cường truyền thông để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh. Ngành luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó, đảm bảo đủ nhân lực, vật tư và phương án xử lý kịp thời, hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra. Mục tiêu là bảo vệ sức khỏe người dân, không để dịch lan rộng.

- Phóng viên: Vai trò của hệ thống y tế cơ sở trong phòng, chống dịch? Việc phối hợp giữa Sở Y tế với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện như thế nào?

- Ông Chung Tấn Thịnh: Y tế cơ sở là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, bám sát địa bàn, trực tiếp giám sát dịch tễ, truyền thông, giáo dục sức khỏe và tổ chức tiêm chủng, xử lý ổ dịch ngay từ ban đầu. Nhờ hoạt động tích cực của y tế cơ sở, thời gian qua nhiều ổ dịch được kiểm soát kịp thời, không để lan rộng.

Về công tác phối hợp, Sở Y tế luôn xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ không của riêng ngành nào. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo, huy động nguồn lực, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, giám sát ổ dịch tại cơ sở; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong triển khai truyền thông và giám sát dịch bệnh trong trường học, hướng dẫn vệ sinh cá nhân cho học sinh, tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng ngừa bệnh truyền nhiễm; phối hợp Chi cục Thú y tỉnh trong giám sát và phòng, chống các bệnh có nguồn gốc từ động vật, nhất là bệnh dại và cúm gia cầm; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, cùng các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nắm bắt kịp thời các thông điệp phòng bệnh, tránh hoang mang hoặc chủ quan.

- Phóng viên: Ông có khuyến cáo gì cho người dân để chủ động phòng ngừa dịch bệnh trong cộng đồng?

- Ông Chung Tấn Thịnh: Người dân cần thực hiện biện pháp phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và tại cơ sở y tế; hạn chế tụ tập nơi đông người khi không cần thiết; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; vệ sinh nhà cửa, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc thường xuyên, nhất là trong mùa dịch; ăn chín, uống chín, lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng; diệt muỗi, diệt lăng quăng, giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ; tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ và người thuộc nhóm nguy cơ; tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý; khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời.

Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục nâng cao năng lực y tế cơ sở, tăng cường giám sát dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư y tế, đảm bảo đủ thuốc, vaccine và đẩy mạnh truyền thông phòng bệnh đến từng người dân. Mục tiêu là xây dựng hệ thống y tế dự phòng chủ động, hiệu quả và gần dân, góp phần kiểm soát dịch bệnh bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách toàn diện.

- Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

TÂY HỒ - TÚ QUYÊN thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/chu-dong-phong-ngua-cac-loai-dich-benh-truyen-nhiem-26529.html