Chủ tịch Đà Nẵng: Không thể để cầu Quảng Đà xây xong mà không có đường dẫn
Cầu Quảng Đà, công trình hơn 270 tỷ đồng bắc qua sông Yên nối đôi bờ Tp.Đà Nẵng, đã hoàn thiện phần cầu chính nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì tuyến đường vành đai kết nối phía Bắc đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng và thiếu vật liệu.
Dự án "trăm tỷ" đứng chờ mặt bằng
Ngày 10/7, Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết làm việc với phường Điện Bàn Bắc và các đơn vị liên quan để kiểm tra tiến độ hai dự án trọng điểm: cầu Quảng Đà và tuyến đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam.
Theo báo cáo của địa phương, Dự án đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam được thiết kế kết nối trực tiếp với cầu Quảng Đà.

Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết làm việc với phường Điện Bàn Bắc và các đơn vị liên quan để kiểm tra tiến độ hai dự án trọng điểm cầu Quảng Đà và tuyến đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam.
Dự án cầu Quảng Đà có tổng mức đầu tư hơn 274 tỷ đồng, dài 204 m, rộng 22 m với 4 làn xe, bắc qua sông Yên đến nay cơ bản đã hoàn thành và đã thông xe kỹ thuật từ tháng 3/2025.
Trong khi đó, tuyến đường vành đai chưa hoàn thành dẫn đến tình trạng phương tiện không thể lưu thông qua cầu do thiếu đường dẫn ở phía địa phận phường Điện Bàn Bắc.
Hiện dự án đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam mới bàn giao khoảng 10,3 ha trên tổng số 18,43 ha mặt bằng cho nhà thầu, đạt tỷ lệ khoảng 55,89%. Phần diện tích còn lại đang gặp vướng mắc do chưa xác định rõ nguồn gốc đất và chưa hoàn thiện các khu tái định cư phục vụ giải tỏa trắng.
Về vật liệu thi công, dự án cần khoảng 500.000 m³ đất đắp và cát, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm được mỏ cung ứng đáp ứng đủ nhu cầu.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần 873, một trong các đơn vị thi công, vẫn chưa đảm bảo tiến độ và khối lượng thi công theo cam kết, dù đã nhiều lần được chính quyền nhắc nhở, đôn đốc.

Cầu Quảng Đà đến nay đã hoàn thành.
Ông Triết chia sẻ, vốn Trung ương đã bố trí mà không giải ngân được thì ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cân đối ngân sách. Nếu để bị thu hồi, thành phố phải bỏ vốn làm, rất áp lực.
Chính quyền phường Điện Bàn Bắc chủ trì công tác giải phóng mặt bằng, huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ mặt trận, các đoàn thể đến đội tuyên truyền để vận động người dân.
Việc áp dụng chính sách bồi thường theo cơ chế cũ của tỉnh Quảng Nam cũng cần được giải thích rõ để tránh tạo tâm lý so sánh, phản ứng. Trường hợp có chênh lệch lớn thì đề xuất thành phố hỗ trợ.
Ông yêu cầu đặc biệt ưu tiên bàn giao mặt bằng tại các vị trí trọng yếu như cống, mố cầu để nhà thầu có điều kiện thi công và đẩy nhanh tỉ lệ giải ngân vốn. Nếu tiến độ chậm như hiện nay, sẽ không có cơ sở nào để xin gia hạn vốn Trung ương, ông Triết nói thẳng.
Sẵn sàng phương án thay nhà thầu thi công nếu vi phạm
Bên cạnh đó, ông Triết yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng rà soát toàn bộ hợp đồng, nếu nhà thầu thi công vi phạm tiến độ thì tiến hành các thủ tục thay thế, đồng thời chuẩn bị phương án chỉ định nhà thầu mới đủ năng lực để đảm bảo dự án không bị gián đoạn.
Riêng với đơn vị đang thi công, Công ty CP Đại Thiên Trường, Chủ tịch yêu cầu tập trung hoàn thiện 2 km đầu tuyến nơi đã có mặt bằng sạch để tạo đường kết nối tạm với tuyến ĐH12.

Tuyến đường vành đai chưa hoàn thành dẫn đến tình trạng phương tiện không thể lưu thông qua cầu Quảng Đà do thiếu đường dẫn ở phía địa phận phường Điện Bàn Bắc.
Ông Triết yêu cầu nguyên tắc "có mặt bằng đến đâu, thi công đến đó", không để công trường rơi vào tình trạng "án binh bất động" làm người dân mất niềm tin.
Đồng thời, ông yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động xử lý các thủ tục pháp lý về đất đai, tách thửa, xử lý đất công ích theo đúng quy định. Những nội dung vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay cho UBND thành phố để giải quyết.
Để thúc đẩy tiến độ, ông Lương Nguyễn Minh Triết phân công Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Nam Hưng trực tiếp chỉ đạo dự án.
Ông cũng lưu ý, Chủ tịch UBND phường cần phát huy vai trò chủ động, không thể viện cớ "chờ cấp trên chỉ đạo" mới làm.