Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Thực sự tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Đây là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13.2.

Những vấn đề đã chín, đã rõ, có tính khả thi, ít hướng dẫn cần đưa ngay vào dự thảo Nghị quyết

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, cần sớm ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gianhằm tháo gỡ ngay những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần tập trung vào những vấn đề cấp bách được nêu trong Nghị quyết 57, với quan điểm sau khi ban hành Nghị quyết là "phải làm được ngay".

Những vấn đề đã chín, đã rõ, có tính khả thi, ít hướng dẫn cần kịp thời đưa ngay vào dự thảo Nghị quyết để triển khai, đặc biệt là các chính sách mang tính vượt trội, có thể phát huy tác dụng ngay, khơi thông nguồn lực, có sức lan tỏa góp phần vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần bảo đảm ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, dễ tổ chức thực hiện.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Hiển

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Hiển

Tán thành với Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc ban hành và thực hiện Nghị quyết này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm chỉ đưa những chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội vào dự thảo Nghị quyết; còn những chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan khác có thể căn cứ vào các luật có liên quan để triển khai thì không nên đưa vào dự thảo Nghị quyết.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Làm rõ vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của tổ chức khoa học công nghệ công lập

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận thấy, bên cạnh các đề xuất thí điểm chính sách còn có cả các đề xuất thí điểm cơ chế, như cơ chế về tự chủ, khuyến khích mua sắm công, đầu tư tài chính…; đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm về nội dung này.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Góp ý vào nội dung chính sách cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, chính sách áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước tại Điều 8 dự thảo Nghị quyết là chính sách rất hay và hợp lý. Song cũng cần nghiên cứu quy định rõ việc Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp nhà nước được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của của doanh nghiệp. Bởi thực tế vừa qua, việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của của doanh nghiệp chưa hiệu quả.

Quan tâm tới quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cơ bản các quy định liên quan đến cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các tổ chức khoa học công nghệ nói riêng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, được điều chỉnh tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan soạn thảo cần làm rõ những vướng mắc trong triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trong đó có các tổ chức khoa học, công nghệ; nếu có vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật khiến Chính phủ không thể trao quyền tự chủ ở mức độ cao nhất cho các đơn vị sự nghiệp công lập thì mới đưa nội dung này vào dự thảo Nghị quyết.

Điều 6 dự thảo Nghị quyết quy định, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình nghiên cứu, nội dung thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải trả lại kinh phí đã sử dụng.

 Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Góp ý vào nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần làm rõ cấp có thẩm quyền xác định những trường hợp trên, bởi lẽ việc “thử và sai” là rủi ro rất đặc thù trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các cơ chế, chính sách đề xuất trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp về thẩm quyền của Quốc hội; thực hiện nghiêm Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị, không để xảy ra lợi ích nhóm, lãng phí, tiêu cực.

Cùng với đó, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, chỉ đưa vào dự thảo Nghị quyết những chính sách thực sự cần thiết, cấp bách, đã chín muồi, đã rõ và mang tính khả thi để phục vụ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, có thể triển khai thực hiện ngay, bảo đảm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; bảo đảm tính minh bạch của cơ chế kiểm tra giám sát.

 Đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát để không đưa vào dự thảo Nghị quyết những nội dung chưa thực sự cấp bách, chưa đánh giá tác động kỹ, chưa cụ thể để áp dụng được ngay; tiếp tục nghiên cứu nhằm sửa đổi một số luật liên quan như Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Công nghệ số…

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quản lý kinh phí ngân sách, tài sản Nhà nước theo kết quả nhưng cần thiết kế đầy đủ các tiêu chí đã xác định; lượng hóa được kết quả đề ra, bảo đảm tuân thủ đúng chủ trương của Đảng về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, bảo đảm sự minh bạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, sử dụng các nguồn lực ngoài khu vực công nhằm thiết lập các nguồn lực để phát triển và phát triển thị trường phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-thuc-su-thao-go-diem-nghen-trong-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-post404387.html