Chưa có cơ sở đưa tên doanh nghiệp làm chủ đầu tư điện hạt nhân vào Nghị quyết
Khác với dự thảo ban đầu, Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua bỏ tên cụ thể của EVN và PVN trong vai chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn trà lời tại cuộc họp báo.
Chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận chưa được điều chỉnh nên chưa có cơ sở đưa tên cụ thể doanh nghiệp làm chủ đầu tư hai nhà máy.
Thông tin trên được đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết tại cuộc họp báo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ chín, diễn ra ngay sau khi bế mạc Kỳ họp, trưa 19/2.
Vấn đề được báo chí nêu là, khác với dự thảo trình Quốc hội thảo luận, Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua đã bỏ tên cụ thể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) trong vai chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Trả lời. Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết theo quy định Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chung về cơ chế, chính sách, mà không nêu cụ thể doanh nghiệp.
Ông Tuấn nói, chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chưa được điều chỉnh (dự kiến tới kỳ họp vào tháng 5/2025 Quốc hội mới xem xét việc này - PV), nên chưa có cơ sở đưa tên cụ thể doanh nghiệp làm chủ đầu tư hai nhà máy.
“Nghị quyết của Quốc hội cho phép Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Do đó, việc giao EVN, PVN thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thuộc thẩm quyền của Thủ tướng”, ông Tuấn trả lời.
Trước đó, nêu ý kiến tại phiên thảo luận hôm 17/2 tại nghị trường, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch PVN đề nghị cơ chế đặc thù cần dứt khoát có tên chủ đầu tư dự án, cụ thể EVN và PVN, để “rõ người, rõ việc”. Bởi theo ông, đây là dự án siêu lớn, nhiều cơ chế được thực hiện song song với thủ tục chuẩn bị đầu tư.
“Nếu không có tên doanh nghiệp cụ thể chúng tôi sẽ không làm được vì sau khi được duyệt sẽ lại phải đi xin các cơ chế đó”, ông Hùng nói.
Liên quan đến Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, tài liệu tại cuộc họp báo nêu rõ, Quốc hội thông qua Nghị quyết này để khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai xây dựng nhà dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong những năm tới, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nghị quyết gồm 5 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện Dự án.
Một là, triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.
Hai là, lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu.
Ba là, áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm và hướng dẫn kỹ thuật do đối tác thực hiện đề xuất áp dụng.
Bốn là, giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép áp dụng các định mức, đơn giá trên cơ sở đàm phán với đối tác thực hiện Dự án.
Năm là, chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để thông qua, phê duyệt nội dung liên quan.
Sáu là, không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Bảy là, không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản...