Chùa Thánh Duyên
Bên đầm Cầu Hai (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), cách cảng cá Vinh Hiền về phía Tây khoảng 2km, có ngọn núi Túy Vân cao 60m. Trên núi có chùa Thánh Duyên. Tương truyền, cổ tự do chúa Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) lập để cầu phúc cho dân địa phương, từng được mở rộng vào năm 1692 nhưng bị chiến tranh phá hủy vào cuối thế kỷ XVIII.
Năm 1825, thời Minh Mạng triều Nguyễn, nhà vua cho xây dựng lại chùa với quy mô như hiện tại, đặt tên là “Thúy Hoa tự” và đặt tên núi cũng là Thúy Hoa. Năm 1836, nhà vua cho xây thêm Đại Từ Các và tháp Điều Ngự, đặt tên chùa là “Thánh Duyên tự”. Tới thời Thiệu Trị, vì kỵ húy tên Thái hậu Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị) nên núi Thúy Hoa được đổi tên thành Thúy Vân, người dân đọc chệch đi thành Túy Vân. Vua Thiệu Trị đã “xếp hạng” núi Túy Vân là cảnh sắc thứ 9 trong số 20 cảnh đẹp đất kinh kỳ qua bài thơ “Vân Sơn thắng tích”.
Chùa Thánh Duyên có nhiều hạng mục trải dài từ chân núi lên đỉnh núi. Dưới chân núi có nhà bia, nơi đặt tấm bia “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị viết năm 1843. Cổng chùa và chính điện nằm trên sườn núi, cách nhau một khoảng sân gạch. Cổng chùa xây gạch kiểu tam quan, cao hai tầng, mái ngói. Chính điện là hai tòa nhà khung gỗ 5 gian 2 chái, 2 tầng mái lợp ngói kiểu cổ diêm, có cấu trúc nhà trước liền với nhà sau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” đặc trưng của kiến trúc cung đình Huế. Góc trái sân chùa là nơi đặt tấm bia “Ngự chế” của vua Minh Mạng, gồm 4 bài thơ viết về núi Thúy Hoa và chùa Thánh Duyên, nằm trong một phương đình nhỏ thoáng đãng. Trong chính điện, gian giữa thờ Tam thế Phật (Quá khứ - Hiện tại - Vị lai); hai bên là hai bộ tượng quý Thập điện Minh vương và Thập bát La Hán. Giữa điện thờ là long vị bằng đồng đúc dòng chữ “Đương kim Minh Mạng Hoàng đế vạn thọ vô cương”.
Đi tiếp lên núi theo cửa hậu chùa sẽ tới Đại Từ Các, gồm 3 gian thờ. Ở giữa là Phật A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni và Di Lặc; gian phải thờ Quan Âm, gian trái thờ Bồ tát Đại Thế Chí. Đỉnh núi là tháp Điều Ngự cao 12m, mặt bằng hình vuông, được xây 3 tầng thu nhỏ dần lên trên. Điều Ngự là một trong những danh xưng của đức Phật, vừa mang ý nghĩa là nơi để nhà vua điều phục và chế ngự tâm mình. Phía sau tháp Điều Ngự là đình Tiến Sảng, mang ý nghĩa khi tâm được chế ngự thì việc gì cũng làm được.
Với những giá trị được bảo tồn, chùa Thánh Duyên được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1996.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/200904/chua-thanh-duyen