Chuẩn bị kịch bản cho tiêu dùng hàng hóa cuối năm 2025

Nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu cho thị trường nội địa nửa cuối năm 2026 cơ bản được bảo đảm, giá cả hàng hóa dự báo tăng nhưng trong giới hạn kiểm soát.

Bà Lê Thị Hồng, Thường trực Tổ điều hành thị trường trong nước thông tin về tình hình thị trường nửa đầu năm 2025.

Bà Lê Thị Hồng, Thường trực Tổ điều hành thị trường trong nước thông tin về tình hình thị trường nửa đầu năm 2025.

Sáng 11/7, Tổ điều hành thị trường trong nước họp thường kỳ quý II/2025.

Bà Lê Thị Hồng, Thường trực Tổ điều hành thị trường trong nước cho hay, thị trường hàng hóa thế giới nửa đầu năm tiếp tục chịu sự ảnh hưởng đan xen của các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị và điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn. Bối cảnh địa chính trị phức tạp, xu hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ tại Mỹ, cùng sự phân hóa cung - cầu ở từng nhóm mặt hàng khiến giá cả hàng hóa tăng - giảm đan xen.

Theo đó, giá các mặt hàng năng lượng và kim loại quý tăng do yếu tố rủi ro toàn cầu, trong khi nông sản và nguyên liệu công nghiệp có biến động mang tính chu kỳ và phụ thuộc vào nhu cầu thực tế sản xuất và tiêu dùng.

Ở trong nước, thị trường hàng hóa duy trì ổn định về tổng thể, nguồn cung hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Một số mặt hàng thiết yếu có biến động cục bộ về giá, nổi bật là thịt lợn trong giai đoạn quý I/2025 do những vấn đề về nguồn cung trong giai đoạn gối vụ và ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên, vấn đề này đã nhanh chóng được xử lý và thị trường đã trở lại ổn định từ đầu quý II đến nay.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng khá cao trong giai đoạn 5 năm trở lại đây.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2025 đạt 3.416.791 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, các nhóm có mức tăng cao hơn mức tăng chung gồm nhóm lương thực, thực phẩm, văn hóa phẩm giáo dục và các nhóm du lịch dịch vụ tăng từ 9,53 - 23,23%..

Về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), CPI tháng 6 tăng 0,48% so với tháng trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2024.

Dự báo, nửa cuối năm 2025, căng thẳng chính trị vẫn leo thang tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt tại các khu vực sản xuất các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng là đầu vào cho sản xuất, kinh doanh mà Việt Nam đang phải nhập khẩu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí nguyên liệu đầu vào và mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Xu hướng bảo hộ thương mại của các nước lớn ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ các hàng hóa xuất khẩu, tạo áp lực tiêu thụ hàng hóa cho thị trường trong nước. Cùng đó, người tiêu dùng có tâm lý siết tiêu dùng do lo ngại hàng hóa kém chất lượng trước nhiều vụ việc cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ thời gian qua.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến động khó lường, tác động tới chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu, tâm lý tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường trong nước đóng vai trò quan trọng, vừa là trụ cột ổn định tăng trưởng, vừa hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.

Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/1/2025 của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng chung từ 8% trở lên.

Theo đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường; chủ động, linh hoạt triển khai các biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường và thúc đẩy tiêu dùng hàng sản xuất trong nước. Mục tiêu là vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đề xuất Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh điều kiện tín dụng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị tạo điều kiện vay vốn ngắn hạn để bổ sung kịp thời vốn lưu động, góp phần tháo gỡ khó khăn tạm thời, ổn định sản xuất - kinh doanh, đề xuất xem xét giảm tỷ lệ ký quỹ nhập khẩu đầu vào để giúp doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn vốn phục vụ sản xuất.

Ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, đại diện Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) kiến nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp ổn định giá cả, nguồn cung vật liệu xây dựng để kích cầu tiêu dùng mặt hàng xi măng trong nước, sớm tăng tỷ lệ áp dụng phương án cầu cạn bê tông cốt thép trong các dự án đường cao tốc; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xi măng ứng phó với các rào cản thương mại tại các thị trường đang xem xét áp thuế đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam, điển hình là thị trường Đài Loan.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuan-bi-kich-ban-cho-tieu-dung-hang-hoa-cuoi-nam-2025-d328338.html