Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt tăng sau khi ông Trump đạt thỏa thuận thương mại đầu tiên
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (8/5), sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đạt một thỏa thuận thương mại khung Mỹ - Anh, thỏa thuận lớn đầu tiên kể từ khi ông Trump áp thuế quan đối ứng cách đây hơn 1 tháng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Giá dầu thô tăng xấp xỉ 3% vì nhà đầu tư kỳ vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung sắp tới sẽ đạt được một bước đột phá nào đó.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 254,48 điểm, tương đương tăng 0,62%, đạt 41.368,45 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,58%, đạt 5.663,94 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,07%, đạt 17.928,14 điểm.
Trong một sự kiện tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ông Trump cùng với Thủ tướng Anh Keir Starmer - liên lạc từ London thông qua điện thoại loa ngoài - đưa ra thỏa thuận thương mại khung nói trên. Theo một đồ họa được ông Trump đăng trên tài khoản mạng xã hội Truth Social, mức thuế cơ sở 10% của thuế đối ứng mà ông áp lên hàng hóa Anh vẫn giữ nguyên.
Tuy nhiên, ông Trump nhấn mạnh mức thuế 10% với Anh có thể là mức cận dưới cho thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với các quốc gia khác trong tương lai. Ông nói thêm rằng “một số nước sẽ phải chịu thuế suất cao hơn nhiều vì họ có thặng dư thương mại lớn với Mỹ”.
Ngoài ra, thỏa thuận được công bố không có nhiều chi tiết và không có gì được ký kết trong sự kiện vừa diễn ra. “Các chi tiết cuối cùng của thỏa thuận đang được soạn. Trong những tuần tới, chúng ta sẽ có một thỏa thuận rất đầy đủ”, ông Trump nói.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đạt mức cao của phiên sau khi ông Trump nói ông kỳ vọng các nhà đàm phán của Mỹ sẽ có một “cuối tuần tốt đẹp” với các nhà đàm phán Trung Quốc trong cuộc gặp ở Geneva, Thụy Sỹ vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ tham dự cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, và đây là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi ông Trump leo thang xung đột thương mại với Bắc Kinh trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Sau khi ông Trump áp thuế quan 145% lên hàng hóa Trung Quốc, nước này đã trả đũa bằng cách áp thuế 125% lên hàng Mỹ. Gần đây, ông tuyên bố muốn hạ thuế quan cho Trung Quốc vì mức thuế này “quá cao”. Hôm thứ Tư tuần này, giới chức Trung Quốc nói cuộc gặp ở Thụy Sỹ sắp tới là do phía Washington đề xuất.
“Đang có mối hy vọng gia tăng rằng Mỹ sẽ đạt được một số thỏa thuận thương mại trước khi thời hạn miễn thuế đối ứng kết thúc vào ngày 9/7. Tuy nhiên, việc Mỹ và Trung Quốc khởi động đàm phán có thể giải tỏa bớt áp lực đòi hỏi chính quyền Trump phải đạt thỏa thuận với các đối tác thương mại khác trong ngắn hạn”, chiến lược gia Sam Stovall của công ty CFRA nhận định với hãng tin CNBC.
Cổ phiếu công nghệ tăng trên diện rộng sau khi Chính phủ Mỹ ngày thứ Tư tuyên bố sẽ dỡ bỏ các hạn chế liên quan tới con chip được đặt ra dưới thời Tổng thống Joe Biden. Cổ phiếu hãng sản xuất máy bay Boeing tăng 3% sau khi Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick phát tín hiệu rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh có thể dẫn tới một đơn hàng mua máy bay Boeing trị giá nhiều tỷ USD.
Trước phiên tăng này, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong phiên ngày thứ Tư, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất và phát tín hiệu sẽ chờ cho tới khi xác định rõ ràng được tác động của thuế quan đến nền kinh tế mới nối lại việc cắt giảm lãi suất.
Trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, lợi suất tăng lên mức cao nhất trong nhiều tuần vì giới đầu tư cho rằng sau thỏa thuận với Anh, Mỹ có thể sẽ đạt thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác trong những tuần tới, tháng tới.
“Nếu thuế quan bắt đầu xuống thang và thỏa thuận với Anh là sự khởi đầu cho một loạt thỏa thuận sắp tới, Fed sẽ không phải giảm lãi suất nhiều”, chiến lược gia John Velis của ngân hàng BNY nhận định với hãng tin Reuters.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 11,3 điểm cơ bản, đạt mức 4,388%. Lợi suất của kỳ hạn 30 năm tăng 8,1 điểm cơ bản, lên 4,753%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm tăng 9,8 điểm cơ bản, đạt 3,891% - theo dữ liệu của Reuters.
Trên thị trường tiền tệ, lạc quan về đàm phán thương mại đưa đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác. Chỉ số Dollar Index chốt phiên ở mức 100,64 điểm, từ mức dưới 100 điểm của phiên trước.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,72 USD/thùng, tương đương tăng 2,81%, đóng cửa ở mức 62,84 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,84 USD/thùng, tương đương tăng 3,17%, đạt 59,91 USD/thùng.
Theo nhà phân tích Ole Hvalbye của công ty SEB, dầu tăng giá nhờ kỳ vọng về một sự đột phá nào đó trong đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng xu hướng biến động mạnh gần đây của giá dầu do các thông tin thuế quan sẽ không sớm kết thúc.
“Phần bù rủi ro toàn cầu đẩy giá dầu tăng và giảm trong 2 năm qua đã được thay thế bằng phần bù thuế quan. Phần bù này cũng biến động theo những tin tức mới nhất từ chính quyền Trump”, chuyên gia Jim Ritterbusch của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận định với Reuters.
Bên phía nguồn cung, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức liên minh OPEC+, đang đẩy mạnh việc tăng sản lượng, gây áp lực giảm lên giá dầu.
Công ty nghiên cứu Citi Research đã giảm dự báo giá dầu Brent 3 tháng tới về mức 55 USD/thùng từ 60 USD/thùng trước đó, nhưng duy trì dự báo giá dầu Brent vào cuối năm nay ở mức 60 USD/thùng. Cũng theo Citi, một thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran có thể đẩy giá dầu Brent về ngưỡng 50 USD/thùng vì nguồn cung dầu sẽ tăng lên, nhưng nếu không có thỏa thuận, giá có thể tăng lên ngưỡng hơn 70 USD/thùng.