Chuỗi khí điện lô B - Ô Môn và Cá Voi Xanh nguy cơ phải 'đứng ngoài' thị trường điện cạnh tranh?

Chuỗi dự án lô B – Ô Môn và Cá Voi Xanh nếu tham gia trực tiếp thị trường điện, sẽ khiến cả ngân sách nhà nước và Petrovietnam hụt thu nhiều tỷ USD.

Lễ ký kết triển khai chuỗi dự án khí điện lô B – Ô Môn. Ảnh: PVN

Lễ ký kết triển khai chuỗi dự án khí điện lô B – Ô Môn. Ảnh: PVN

Nguy cơ suy giảm nguồn thu ngân sách

Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia – Petrovietnam (PVN) tiếp tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ hụt thu ngân sách nếu hai chuỗi khí điện lô B – Ô Môn và Cá Voi Xanh tham gia trực tiếp vào thị trường điện cạnh tranh.

Cùng với đó là việc áp dụng nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện, các dự án trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh để áp dụng cơ chế về sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn... theo quy định trong Nghị định 56 hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực mới ban hành.

Ngay sau khi Nghị định 56 được ban hành hồi tháng 3 tới nay, Petrovietnam đã nhiều lần cảnh báo về những hệ quả nếu áp dụng các cơ chế liên quan, thông qua dẫn chiếu thực trạng triển khai hai chuỗi khí điện lô B – Ô Môn tại Quảng Ngãi và Cá Voi Xanh tại Quảng Nam.

Theo đó, chiếu theo Điều 15 Nghị định 56, các dự án nhiệt điện khí trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh các cấp độ, đồng thời sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đối với các dự án điện sử dụng khí trong nước được xác định tối đa theo khả năng cấp khí và các ràng buộc kỹ thuật.

Tuy nhiên, Petrovietnam nhấn mạnh, việc nhà máy điện khí lô B hay Cá Voi Xanh nếu tham gia thị trường điện sẽ được phân bổ sản lượng hợp đồng (Qc) tối thiểu dài hạn không đồng nghĩa với việc được huy động trong thực tế.

Trong thực tế, đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện – NSMO sẽ căn cứ vào bản chào của các nhà máy điện và tình hình hệ thống điện để tính toán phương án huy động cuối cùng.

Ở thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện xuống thấp, nếu chỉ có Qc, nhà máy có thể bị ngừng vận hành, dẫn tới ảnh hưởng đến hệ thống mỏ khí thượng nguồn. Lúc này, NSMO sẽ căn cứ vào thứ tự huy động (được quy định trong Thông tư 16) để lập lịch cho các nhà máy điện, và các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên (với giá biến đổi cao) sẽ nằm trong danh sách được huy động cuối cùng.

Điều này, theo Petrovietnam, mâu thuẫn với quy định trong Luật Điện lực rằng: “Có cơ chế huy động các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí thiên nhiên trong nước tối đa theo khả năng cấp khí và các ràng buộc về nhiên liệu để bảo đảm hài hòa lợi ích tổng thể của quốc gia”.

Vì vậy, nếu không có cơ chế huy động đủ và ổn định, các mỏ khí nội địa sẽ đối diện nguy cơ suy giảm sản lượng khai thác, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tiêu cực đến tính khả thi tài chính của toàn chuỗi dự án khí – điện.

“Thực tế huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước trong giai đoạn gần đây đã chứng minh thực trạng này”, ông Lê Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Petrovietnam cho biết.

Minh chứng bằng thời gian 2021 - 2024, khả năng cung cấp khí thiên nhiên trong nước của Petrovietnam cho sản xuất điện vào khoảng hơn 27,2 tỷ m3. Tuy nhiên, do các nhà máy nhiệt điện khí giai đoạn này tham gia thị trường điện và được huy động theo nhu cầu của hệ thống nên tổng tiêu thụ khí thực tế chỉ đạt 22,36 tỷ m3 – tức tương đương 82% khả năng cấp khí - và khoảng 4,86 tỷ m3 khí không được huy động).

Việc huy động khí thấp trong giai đoạn nêu trên không chỉ gây khó khăn trong khai thác mỏ dầu khí thiên nhiên ngoài khơi, giảm sản lượng condensate khai thác theo khí, mà còn trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như doanh thu, lợi nhuận của Petrovietnam.

Cụ thể, với 18% lượng khí bị “ế” trong giai đoạn 2021 - 2024 đã làm giảm khoảng 3 tỷ USD doanh thu từ khí và condensate, khiến nhà nước hụt thu khoảng 536 triệu USD đáng lẽ có được từ việc thu các khoản thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT; Petrovietnam giảm 637 triệu USD doanh thu.

Để đảm bảo nguồn thu nhà nước từ dự án thượng nguồn và trung nguồn, các nhà máy nhiệt điện tiêu thụ khí Lô B cần được huy động để tiêu thụ được 95% sản lượng khai thác khí thượng nguồn.

Tuy nhiên, do trực tiếp tham gia thị trường điện, theo quy định về lập lịch huy động, Lô B chỉ được huy động 65% sản lượng khai thác khí – theo đó nguồn thu nhà nước dự kiến giảm khoảng 8 tỷ USD từ dự án thượng nguồn và trung nguồn (từ 23 tỷ USD xuống còn 15 tỷ USD), Petrovietnam dự báo.

Rủi ro pháp lý

Theo Nghị định 56, các nhà máy nhiệt điện khí tiêu thụ khí lô B phải tham gia thị trường điện cạnh tranh – tức sẽ phải tuân thủ “luật chơi” của thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Việc này, Petrovietnam nhấn mạnh, đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi dự án lô B – Ô Môn.

Thứ nhất, chính sách mới đang mâu thuẫn với các chỉ đạo trước đây của Chính phủ và của Bộ Công thương. Ví dụ như việc Chính phủ đồng ý về nguyên tắc chuyển ngang giá khí mỏ lô B, Bộ Công thương được giao chỉ đạo, hướng dẫn Petrovietnam và EVN về cơ chế tiêu thụ lượng khí thượng nguồn. Hay việc Bộ Công thương thông qua các văn bản xác nhận các nhà máy điện hạ nguồn của dự án này sẽ tham gia gián tiếp vào thị trường điện bán buôn cũng như thỏa thuận về cơ chế tiêu thụ khí trong chuỗi dự án.

Việc này tạo rủi ro pháp lý cho phía Việt Nam nếu đối tác nước ngoài khiếu nại với lý do đánh giá đây là "Sự kiện Chính phủ". Hơn nữa, việc thay đổi chính sách này làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế, nguy cơ các đối tác nước ngoài có thể dừng và rút lui khỏi các dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư Việt Nam.

Thậm chí, việc tham gia thị trường cạnh tranh sẽ khiến các nhà máy điện không được đảm bảo huy động, dẫn đến nguy cơ không tiêu thụ hết sản lượng khí đã cam kết, lãng phí công suất toàn hệ thống của chuỗi. Tình thế càng trầm trọng hơn, khi các bên tham gia trong chuỗi sẽ đối diện nguy cơ bị phạt cam kết theo hợp đồng đã ký.

Tương tự, chuỗi dự án Cá Voi Xanh đang bị ảnh hưởng tới quá trình đàm phán, thuyết phục các đối tác của Petrovietnam đang “nghẽn” ở khung pháp lý, đặc biệt là cơ chế để tiêu thụ tối đa khả năng cấp khí thượng nguồn. Theo đó, ExxonMobil (Mỹ) sẽ tiếp tục trì hoãn triển khai dự án để đàm phán về đảm bảo chuyển ngang giá và sản lượng cho chuỗi dự án.

Khi đó, việc triển khai chuỗi dự án Cá Voi Xanh sẽ đối mặt rủi ro rất lớn, gây lãng phí và thất thu cho ngân sách nhà nước. Dự kiến riêng phần dự án thượng nguồn sẽ mang về hơn 20 tỷ USD cho nhà nước trong cả vòng đời dự án.

Với diễn giải nêu trên, Petrovietnam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định sửa đổi Nghị định 56 theo hướng: Cho phép các nhà máy nhiệt điện khí nội được gián tiếp tham gia thị trường điện, giao Bộ Công thương ban hành quy định vận hành các nhà máy điện này được ưu tiên huy động tối đa theo khả năng cấp khí và các ràng buộc về nhiên liệu.

Đồng thời, Petrovietnam kiến nghị bỏ quy định giới hạn thời gian áp dụng các cơ chế hỗ trợ với các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí nội, dự kiến từ thời điểm nghị định mới - sửa đổi Nghị định 56 - có hiệu lực đến trước 1/1/2036; nhằm duy trì nhất quán trong chính sách, tránh ảnh hưởng đến các thỏa thuận đầu tư dài hạn và bảo đảm tính khả thi của các dự án tránh gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Nguyên nhân, theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, công suất đặt của các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước đạt từ 10.860 đến gần 15.000MW, tức 5,9 - 6,3% công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030. Tỷ trọng này, theo Petrovietnam, sẽ ít gây ảnh hưởng đến hệ thống điện và thị trường điện, trong khi mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, một số nguồn đang và dự kiến phát triển như lô B, Cá Voi Xanh, Nam Du – U Minh, Khánh Mỹ - Đầm Dơi, Thiên Nga – Hải Âu sẽ chỉ được hưởng cơ chế đến 31/12/2035. Sau năm 2035, các nhà máy điện này có nguy cơ không được huy động và vận hành để đảm bảo tiêu thụ hết lượng khí cấp cho điện – mà đây lại là thời điểm đón lượng khí khai thác từ lô B bình ổn.

EVN và NSMO đều cho biết chưa ghi nhận khó khăn, vướng mắc khi triển khai Nghị định 56 (ban hành hồi 3/3/2025) do chưa có trường hợp cụ thể áp dụng các cơ chế, chính sách cho phát triển các dự án điện khí liên quan. Do vậy, EVN chưa có dữ liệu để tổng kết thực hiện, NSMO chưa có dự án điện lực cụ thể thực hiện các cơ chế chính sách quy định tại nghị định nên chưa có số liệu thực tế để đánh giá.

Thái Bình

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/chuoi-khi-dien-lo-b--o-mon-va-ca-voi-xanh-nguy-co-phai-dung-ngoai-thi-truong-dien-canh-tranh-d39923.html