Chuyển đổi xanh: Giải pháp phát triển bền vững cho Bắc Trung Bộ
Sáng 4-4 tại Thanh Hóa, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo 'Chuyển đổi xanh: Động lực phát triển bền vững khu vực Bắc Trung Bộ'.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Chu Phạm Ngọc Hiển, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
Đối với khu vực Bắc Trung Bộ là vùng đất có vị trí địa lý chiến lược, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nông nghiệp bền vững và năng lượng tái tạo. Việc chuyển đổi xanh sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường sống và đảm bảo phát triển bền vững.

Đồng chí Chu Phạm Ngọc Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
“Nhận thức rõ vai trò đó, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo, qua đó nhằm đánh giá thực trạng chuyển đổi xanh tại khu vực Bắc Trung Bộ, những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn, thách thức mà các địa phương và doanh nghiệp đang gặp phải; thảo luận về chính sách, cơ chế hỗ trợ từ Trung ương và địa phương để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; lắng nghe kinh nghiệm thực tiễn từ các doanh nghiệp, mô hình tiên phong trong chuyển đổi xanh để từ đó nhân rộng và triển khai hiệu quả hơn”, đồng chí Chu Phạm Ngọc Hiển chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, lợi thế và tiềm năng, từ đó đưa ra nhiều giải pháp về chuyển đổi xanh trong thời gian tới.
Tham luận tại hội thảo, ThS. Lê Thị Minh Ánh, Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, chuyển đổi xanh là quá trình chuyển đổi toàn diện sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp nhằm hướng tới mục tiêu thịnh vượng và bền vững.
Chiến lược tăng trưởng xanh có mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và tập trung vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm cường độ phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững, xây dựng lối sống xanh.

Các chuyên gia, cơ quan quản lý và đại diện doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi tại phiên thảo luận mở.
“Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia xác định môi trường là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo công bằng và huy động nguồn lực xã hội trong bảo vệ môi trường”, ThS. Lê Thị Minh Ánh đánh giá.
Nói về việc chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuyển đổi xanh là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thanh Hóa đang triển khai các giải pháp như mở rộng nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và phát triển mô hình nông nghiệp giảm phát thải. Đồng thời, địa phương cũng chú trọng đến cơ chế tín chỉ carbon trong nông nghiệp và xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn nhằm tái sử dụng phụ phẩm, giảm chất thải và bảo vệ môi trường.
Theo GS, TS Phạm Quý Nhân, giảng viên Cao cấp Khoa Tài nguyên Nước, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tài nguyên nước tại khu vực Bắc Trung Bộ đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển bền vững của vùng, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và đời sống dân cư. Mặc dù khu vực này sở hữu tiềm năng nước mặt và nước ngầm dồi dào, nhưng hiện trạng quản lý và khai thác vẫn còn tồn tại nhiều bất cập: Hiệu quả sử dụng thấp, hệ thống công trình thủy lợi xuống cấp, ô nhiễm nguồn nước gia tăng và cơ chế điều phối liên vùng còn thiếu đồng bộ.

Toàn cảnh Hội thảo.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước có xu hướng gia tăng nhẹ đến năm 2050, đặc biệt trong các ngành công nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ, mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong lĩnh vực tài nguyên nước mang lại tiềm năng to lớn nhằm cải thiện hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Việc triển khai các giải pháp như tái sử dụng nước thải, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, giảm thất thoát, tăng cường giám sát số hóa và phối hợp quản lý liên ngành – liên lưu vực là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững.
Qua Hội thảo, nhiều định hướng, giải pháp, kinh nghiệm, kiến nghị về chuyển đổi xanh của khu vực Bắc Trung Bộ đã được đưa ra. Đồng thời cung cấp nhiều đề xuất, sáng kiến có giá trị thực tiễn cao, các giải pháp cụ thể để thực hiện đồng bộ và hiệu quả cho việc chuyển đổi và xây dựng bứt phá.