Chuyên gia của WHO: Nên tăng thuế thuốc lá sớm nhất có thể để 'cùng thắng'

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có giá thuốc lá rẻ nhất trên thế giới. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trong đó sẽ điều chỉnh tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá.

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu ngân sách. Lộ trình tăng thuế cần thực hiện sớm nhất có thể, bắt đầu từ 2026.

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: "Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì gánh nặng sức khỏe do thuốc lá gây ra rất lớn. Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Ung thư phổi trong top 3 các loại ung thư hàng đầu, riêng với nam giới là top 2, cho thấy tác động của thuốc lá với sức khỏe người dân rất cao. Ngoài ra, thuốc là còn là nguyên nhân của 20 loại ung thư, các bệnh tim mạch (trong đó có nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…), ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản, giống nòi…".

ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.

ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.

BS. Lâm cũng chỉ rõ, tỉ lệ người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam vẫn cao – cứ 10 người trưởng thành thì có đến hơn 4 người đang sử dụng thuốc lá. Trong khi đó, nguồn thu thuế từ thuốc lá ở nước ta rất ít, chỉ khoảng dưới 700 triệu USD từ thuốc lá một năm.

Nhìn sang các quốc gia khác như Thái Lan, mỗi năm quốc gia này thu được 2,2 tỉ USD từ thuế thuốc lá nhưng lượng tiêu thụ của họ chỉ bằng 1/2 của Việt Nam.

Philippines thu tới gần 3 tỉ USD/năm từ thuế thuốc lá, họ cũng đã được những kết quả ấn tượng trong việc giảm được 30% tỷ lệ hút thuốc sau cải cách thuế thuốc lá với tăng 400% mức thuế suất.

"Thuế thuốc lá của Việt Nam hiện đang rất thấp và vẫn còn nhiều dư địa để có thể tăng thêm thuế thuốc lá, nhằm mang lại lợi ích "cùng thắng" (win-win) - thắng về sức khỏe và thắng về nguồn thu ngân sách cho nước ta", chuyên gia của WHO nhấn mạnh.

Giới chuyên môn cũng chỉ ra rằng, hành vi hút thuốc lá hiện tại sẽ tiếp tục để lại hậu quả nặng nề trong vòng 10-20 năm tới, khi những người hút thuốc bắt đầu chịu các tác động lâu dài lên sức khỏe. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ để điều chỉnh, như tăng thuế và kiểm soát giá thuốc lá, hệ thống y tế và kinh tế của Việt Nam sẽ ngày càng chịu thêm áp lực.

Nên tăng thuế thuốc lá bao nhiêu?

Theo khuyến nghị của WHO, thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ. WHO cũng nhấn mạnh rằng hệ thống thuế cần được thiết kế để tăng giá thuốc lá theo thời gian, tính đến yếu tố lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Trong đó, thuế tuyệt đối hoặc hệ thống thuế hỗn hợp được coi là lựa chọn ưu việt hơn so với thuế theo tỷ lệ giá.

Thuế tuyệt đối với một mức cố định áp dụng cho mỗi đơn vị thuốc lá, giúp kiểm soát giá bán lẻ tốt hơn và giảm tiêu thụ hiệu quả hơn. Ngoài ra, cấu trúc thuế đơn giản, không phân biệt theo đặc tính sản phẩm, ngăn ngừa tình trạng người tiêu dùng chuyển sang các nhãn hiệu giá rẻ hơn khi thuế tăng.

Hiện nay, Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ, dựa trên giá bán của nhà sản xuất, tuy nhiên, hệ thống này tồn tại nhiều hạn chế. Cơ sở thuế thấp dẫn đến mức thuế không đủ cao để tác động đáng kể lên giá bán lẻ. Lộ trình tăng thuế chậm cũng khiến cho giá thuốc lá đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng.

Để cải thiện hiệu quả chính sách thuế, WHO đã đưa ra khuyến nghị như sau:

Lộ trình tăng thuế cần thực hiện sớm nhất có thể, bắt đầu từ 2026

WHO khuyến nghị Việt Nam áp dụng một hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp với thuốc lá, bằng cách bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh mức thuế theo tỷ lệ hiện hành với mức tăng thuế tuyệt đối là:

5.000 VNĐ/bao vào năm 2026;
7.500 VNĐ/bao vào năm 2027;
10.000 VNĐ/bao vào năm 2028;
12.500 VNĐ/bao vào năm 2029;
15.000 VNĐ/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ 75%.

Phương án này sẽ giúp tăng tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá lên mức 65,3% vào 2030 - gần đạt mức khuyến nghị của WHO. Đồng thời giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam và nữ giới trưởng thành lần lượt xuống dưới 36% và 1% - đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá đặt ra vào năm 2030. Cùng đó giúp tăng đáng kể nguồn thu thuế thuốc lá hàng năm cho ngân sách nhà nước.

WHO nhấn mạnh, tăng thuế thuốc lá mang lại nhiều lợi ích. Giá thuốc lá tăng cao sẽ khuyến khích nhiều người bỏ thuốc, giảm tỷ lệ hút thuốc và các bệnh liên quan. Ngoài ra, nguồn thu từ thuế sẽ tăng, tạo thêm kinh phí để đầu tư vào y tế và các chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời, gánh nặng y tế giảm sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

"Nếu áp luôn mức thuế 5.000 VNĐ/bao vào năm 2026, dự kiến chúng ta thu được 20.000 tỉ VNĐ tiền thuế tăng thêm. Các chuyên gia thấy rằng, khi người dân giảm tiêu thụ thuốc lá do tăng thuế thì họ lại dùng tiền đó để chi tiêu cho thực phẩm, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác. Nhà nước cũng sẽ dùng tiền thuế để tái đầu tư, xây dựng đường sá, đầu tư cho giáo dục, y tế… Do vậy, WHO mong muốn Việt Nam áp phương pháp tăng thuế mạnh vào năm đầu tiên và áp lộ trình tăng thuế sớm nhất có thế, bắt đầu từ năm 2026" - BS. Lâm nêu rõ.

Để tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ, từng bước ngăn chặn sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm ở nước ta, Nghị quyết 20-NQ/TƯ ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu bia, thuốc lá và đảm bảo tiêu dùng dinh dưỡng phù hợp cho người dân.

Ngày 29/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu là ban hành đầy đủ các quy định chính sách để kiểm soát các yếu tố nguy cơ, dự phòng các bệnh không lây nhiễm.

Đặc biệt, ngày 8/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-cua-who-nen-tang-thue-thuoc-la-som-nhat-co-the-de-cung-thang-169250429131807641.htm