Chuyên gia hiến kế đưa nền kinh tế Việt Nam vượt 'cơn gió ngược' trong năm 2025

Các chuyên gia cho rằng, để đưa nền kinh tế Việt Nam vượt 'cơn gió ngược', thì năm 2025, bên cạnh thúc đẩy các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và duy trì đà phát triển của xuất hoạt động xuất nhập khẩu, cần tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ 'điểm nghẽn' về thể chế và có các chính sách ứng phó linh hoạt, kịp thời với bối cảnh tình hình trong nước.

Các yếu tố tác động đến tăng trưởng

Ngày 03/01/2025, tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025”, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có nhiều điểm sáng.

Theo đó, dòng vốn FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tính đến ngày 30/11/2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1%, đánh dấu mức cao nhất trong 5 năm qua.

Quang cảnh Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025”.

Quang cảnh Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025”.

Tính đến đầu tháng 12/2024, Việt Nam đã thu hút được 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân dần tăng trưởng trở lại, tính chung 9 tháng đầu năm 2024, mức tăng đạt 7,1%, phản ánh niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp trong nước.

Tổng thu ngân sách nhà nước như Bộ Tài chính công bố ước số thu năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023. Khu vực tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong đóng góp thu ngân sách nhà nước...

Tuy nhiên, làm rõ những rủi ro cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025, TS. Nguyễn Quốc Việt Nam cho rằng, các biến động kinh tế thế giới và các xu thế chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước lớn có thể giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, mặc dù lạm phát năm 2024 dự kiến đạt mức dưới 4,5%, nhưng áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua.

Một yếu tố tác động khác là xung đột địa chính trị chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ làm phân mảng kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu, nhất là các quốc gia phụ thuộc xuất khẩu như Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu và dân số già hóa nhanh chóng, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính vĩ mô trong dài hạn.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, Việt Nam hiện đang đối mặt với một số rủi ro khác như giải ngân đầu tư công còn chậm, không đồng đều.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững; các vướng mắc về pháp lý vẫn chưa được giải quyết; chi phí đầu vào còn cao; thiếu lao động, năng suất thấp; yêu cầu số hóa và xanh hóa ngày càng cao.

Cùng với các yếu tố tác động trên, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý một số rủi ro khác như: Việc xây dựng thể chế đối với các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn còn chậm; việc thực hiện cuộc “cách mạng” về tinh gọn tổ chức – bộ máy có những khó khăn nhất định.

Thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế

Để giải quyết các khó khăn, thách thức trên, các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh và mạnh mẽ hơn.

Ở góc độ chính sách, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, các chính sách vĩ mô cần được ban hành một cách cẩn trọng, đánh giá kỹ tác động đa chiều và có lộ trình triển khai cụ thể.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải cách và tinh gọn bộ máy hướng tới hệ thống thể chế và quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ.

Với những rủi ro ngắn hạn, cần đảm bảo dư địa chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Với những rủi ro ngắn hạn, cần đảm bảo dư địa chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Lãnh đạo VEPR cũng khuyến nghị, cần thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới và gắn với xu hướng thương mại - đầu tư toàn cầu. Với những rủi ro ngắn hạn, cần đảm bảo dư địa chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Trong trung hạn, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững. Trong dài hạn, xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm đồng thời đảm bảo việc giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả.

Lưu ý đối với các doanh nghiệp trong năm 2025, TS. Cấn Văn Lực cho hay, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền.

Đồng thời, các doanh nghiệp nắm bắt xu hướng phát triển kép “xanh hóa và số hóa” để xây dựng và nhất quán thực hiện Chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Dưới góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5% - 7% được đặt ra cho năm 2025, các giải pháp quyết liệt về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là rất cần thiết.

“Đây là cơ hội tốt để các cấp có thẩm quyền tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, cũng như những rào cản trong môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế theo hướng phá bỏ những quy định, điều kiện kinh doanh bất hợp lý không còn phù hợp với cơ chế thị trường”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, cần có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ giữa Chính phủ, các cấp quản lý để đẩy nhanh quá trình cải cách.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế cho rằng, cải cách thể chế trong thời gian tới cần phải làm triệt để hơn nữa để chính sách thực sự thẩm thấu và “ngấm” vào cuộc sống.

“Yếu tố cốt lõi quyết định tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 vẫn là tập trung tháo gỡ được “điểm nghẽn” về thể chế”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.

Minh Hà

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chuyen-gia-hien-ke-dua-nen-kinh-te-viet-nam-vuot-con-gio-nguoc-trong-nam-2025.html