Chuyên gia hiến kế thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái
Nhiều chuyên gia đánh giá, mô hình khu công nghiệp sinh thái đang được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh cho Việt Nam, đặt nền móng cho một tương lai công nghiệp bền vững hơn.
Ngày 11/7, Hội thảo khoa học "Đầu tư và phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam - tiềm năng, thách thức và tầm nhìn chiến lược cho mục tiêu phát triển bền vững" diễn ra tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp.

PGS. TS-KTS Trần Trọng Hanh (bìa phải) và PGS. TS KTS Nguyễn Tuấn Anh, Hiệu phó Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đồng chủ tọa tại Hội thảo. Ảnh: Nguyên Khánh.
Hoàn thiện khung pháp lý để tạo nền tảng vững chắc
Phát biểu đề dẫn, PGS. TS. KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng) đánh giá, hội thảo là cơ hội để xác định tiềm năng, thách thức và đề xuất các giải pháp, định hướng chiến lược nhằm thiết lập các khu công nghiệp sinh thái, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhận định, việc xây dựng khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái là một nhu cầu cấp thiết để thích ứng với bối cảnh mới.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Phòng Quản lý các khu kinh tế, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính). Ảnh: Nguyên Khánh.
Theo ông Nguyễn Việt Hưng, Phòng Quản lý Khu Kinh tế, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), Nghị định số 35/2022 và Thông tư số 05/2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện các quy định pháp lý, bổ sung khái niệm, chính sách hỗ trợ, tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái và các ưu đãi liên quan. Thông tư 05 hướng dẫn chi tiết về cộng sinh công nghiệp, tuần hoàn nước và quy trình chứng nhận khu công nghiệp sinh thái.
Theo Nghị định 35, tiêu chí khu công nghiệp sinh thái yêu cầu nhà đầu tư phát triển hạ tầng tuân thủ pháp luật, cung cấp đầy đủ dịch vụ cơ bản, giám sát đầu vào/đầu ra, báo cáo hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.
Đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tối thiểu 20% doanh nghiệp thuê đất phải áp dụng giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch, đồng thời có ít nhất một hoạt động cộng sinh công nghiệp.
Khu công nghiệp sinh thái cần đảm bảo tỷ lệ đất cây xanh, giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung đạt tối thiểu 25% tổng diện tích quy hoạch, cùng với giải pháp nhà ở và công trình xã hội cho người lao động.
Về chính sách hỗ trợ và ưu đãi, khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được miễn tiền thuê đất, ưu tiên vốn tín dụng ưu đãi, được đưa vào danh mục dự án ưu đãi đầu tư và có thể vay vốn từ các quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, quỹ đổi mới công nghệ, ngân hàng phát triển, cũng như các quỹ nhà nước và quốc tế.
Tuy nhiên, dù có các ưu đãi trên giấy tờ, việc triển khai thực tế còn gặp khó khăn do Luật Thuế chưa có hướng dẫn cụ thể để hiện thực hóa các ưu đãi này, dẫn đến rào cản về chi phí đầu tư ban đầu cao.
Đồng quan điểm, PGS. TS Bùi Mạnh Hùng, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định, khung pháp lý về khu công nghiệp sinh thái hiện chủ yếu nằm trong các văn bản dưới luật, gây ra sự thiếu nhất quán và chưa đủ mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển.
Vì thế, việc xây dựng và ban hành Luật Khu công nghiệp để tạo hành lang pháp lý vững chắc là cần thiết. Đồng thời, cần rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch hiện hành như tỷ lệ đất cây xanh, quy định về tái sử dụng nước... và xây dựng cơ chế giám sát độc lập, minh bạch và hiệu quả.

TS. Hán Minh Cường, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng AIST. Ảnh: Nguyên Khánh.
Chuyển tư duy "khống chế, giám sát" sang "tạo điều kiện, hỗ trợ"
Bên cạnh những tiềm năng rõ rệt, các chuyên gia cũng chỉ ra, quá trình đầu tư và phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Chi phí đầu tư ban đầu cao là một rào cản lớn, cùng với việc khó tiếp cận tài chính xanh do thiếu khung kỹ thuật cụ thể cho việc vay vốn.
TS Hán Minh Cường, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng AIST nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số và quản trị xanh là hai yếu tố cốt lõi. Theo ông Cường, chuyển đổi số cung cấp công cụ và động lực để tối ưu hóa sản xuất, quản lý tài nguyên, giám sát môi trường và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Quản trị xanh, dù chưa có định nghĩa cụ thể, được xem là trụ cột chiến lược trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, đảm bảo các mục tiêu môi trường - xã hội được lồng ghép vào quá trình phát triển công nghiệp.
Ông Cường kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời lắng nghe vướng mắc của họ để đưa ra giải pháp phù hợp.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng). Ảnh: Nguyên Khánh.
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) việc lồng ghép hai khái niệm "đô thị công nghiệp" và "quy hoạch khu công nghiệp sinh thái" ngay từ giai đoạn quy hoạch là rất cần thiết.
"Cần lồng ghép mục tiêu sinh thái vào quy hoạch khu công nghiệp và quy hoạch đô thị công nghiệp, phân vùng phát triển khu công nghiệp theo cụm ngành cộng sinh và quy hoạch khu công nghiệp theo hướng đô thị công nghiệp", ông Hải nói và cho rằng, một điểm yếu cần khắc phục là sự thiếu hụt về công bằng xã hội (nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa) trong phát triển khu công nghiệp.
Ông Hải cho rằng, việc chuyển đổi tư duy quản lý từ "khống chế, giám sát" sang "tạo điều kiện, hỗ trợ" là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển khu công nghiệp sinh thái.
Kết luận tại Hội thảo, PGS. TS. KTS Trần Trọng Hanh đánh giá, hội thảo đã thống nhất cao về việc đầu tư và phát triển khu công nghiệp sinh thái dựa trên ba trụ cột: "Tài nguyên môi trường - kinh tế và quản lý tổ chức". Phát triển khu công nghiệp, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng cho sự phát triển trong thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Việt Nam cần xác lập các khu công nghiệp sinh thái kiểu mẫu, từ đó nhân rộng ra trên phạm vi cả nước, hình thành mạng lưới khu công nghiệp xanh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu của thị trường toàn cầu.
Theo ông Hanh, đây không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ mà còn là trách nhiệm chung của doanh nghiệp, nhà khoa học và toàn xã hội trong hành trình xây dựng một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, đồng hành giữa các quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và xanh hóa các khu công nghiệp ở Việt Nam.