Chuyên gia y tế chỉ cách phòng tránh và điều trị bệnh cúm mùa

Hiểu rõ các tác nhân gây bệnh cũng như cách thức điều trị đúng đắn sẽ giúp người dân phòng chống bệnh cúm mùa một cách hiệu quả để bảo vệ sức khỏe.

Hiện nay Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị tích cực cho nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A bị biến chứng nặng như suy hô hấp, phải thở máy. Ảnh: Khôi Nguyên.

Hiện nay Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị tích cực cho nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A bị biến chứng nặng như suy hô hấp, phải thở máy. Ảnh: Khôi Nguyên.

Thời điểm giao mùa Đông Xuân là điều kiện thích hợp để virus cúm phát triển và lây lan. PGS.TS BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, đơn vị này hiện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân cúm có dấu hiệu trở nặng, trong đó đa phần là người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và một số trường hợp là phụ nữ mang thai.

Bệnh cúm mùa thường gây ra bởi virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp. Những người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt thì các biểu hiện cúm thường nhẹ như là sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt. Nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường sẽ tự khỏi và không phải nhập viện.

Với người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao.

 PGS.TS BS Đỗ Duy Cường nêu rõ nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh cúm. Ảnh: Khôi Nguyên.

PGS.TS BS Đỗ Duy Cường nêu rõ nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh cúm. Ảnh: Khôi Nguyên.

Vị chuyên gia chỉ rõ, người dân cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cảm lạnh là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi và sau vài ngày sẽ tự khỏi. Cúm là một bệnh do tác nhân là virus cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở... có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị.

"Thuốc kháng virus điều trị cúm là Oseltamivir (Tamiflu) giúp điều trị giảm nhanh triệu chứng. Tuy nhiên cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh tuyệt đối không lạm dụng Tamiflu và tự mua về uống. Những người có yếu tố nguy cơ hoặc bệnh nặng thì mới được chỉ định dùng Tamiflu" - PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, tiêm vaccine chính là cách hữu hiệu để người dân phòng tránh cúm mùa. Bệnh cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vắc-xin. Đồng thời người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giữ ấm, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.

Tổ chức Y tế thế giới đưa ra khuyến cáo những đối tượng như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi nên chủ động tiêm phòng cúm hàng năm để phòng bệnh. Vaccine cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch của chúng ta chống đỡ được virus khi có dịch cúm và nếu mắc bệnh thì sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng.

Khôi Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-gia-y-te-chi-cach-phong-tranh-va-dieu-tri-benh-cum-mua-post719089.html