Chuyện học thêm, dạy thêm 'nóng' nghị trường

Sáng 6/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Việc học thêm, dạy thêm nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng quy định cấm nhà giáo ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức tại dự thảo Luật được hiểu "gián tiếp thừa nhận việc dạy thêm, học thêm".

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám - Đoàn Kon Tum (Ảnh: TTXVN).

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám - Đoàn Kon Tum (Ảnh: TTXVN).

Theo ông Tám, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 12 quy định về vấn đề này. Nếu học viên nắm được ngay kiến thức trên lớp hoặc về nhà chỉ cần học thêm chút nữa mà hiểu bài thì có lẽ không cần đến học thêm.

"Nhưng rõ ràng vì chưa hiểu bài, học sinh mới phải học thêm. Vậy liệu chương trình học hiện nay có nặng so với học sinh hay không?", đại biểu đặt câu hỏi và đề nghị cần rà soát chương trình học để có sự đánh giá khách quan, phù hợp.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lại cho rằng Thông tư hướng dẫn về việc dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT và việc cấm ép học thêm là đúng, nhưng thực tiễn vẫn có chuyện giáo viên gợi ý và học trò phải đi. Vì vậy, đề nghị cần có quy định cụ thể về việc này và ngăn nguy cơ lợi dụng.

Tranh luận với đại biểu Hòa, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng khó có thể ghi rõ trong luật thế nào là "gợi ý dạy thêm". Theo ông, trong dự thảo luật đã đưa ra điều khoản quy định về đạo đức nhà giáo và giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng, sau này ban hành thành bộ quy tắc ứng xử.

Do đó, đại biểu cho rằng những vấn đề liên quan tới chi phối đạo đức thì nên áp dụng theo bộ quy tắc đạo đức và giữ nguyên quy định về "cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức".

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu - Đoàn Thái Bình (Ảnh: TTXVN).

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu - Đoàn Thái Bình (Ảnh: TTXVN).

Cũng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng cần nhìn nhận hoạt động trên xuất phát từ nhu cầu học tập của xã hội, của học sinh và phụ huynh, không nên quy việc này theo kiểu bị giáo viên ép buộc.

"Ngay với con em các đại biểu chắc hẳn đều có nhu cầu và tự nguyện tìm đến các trung tâm học thêm tiếng Anh, tự nguyện đi học thêm các môn văn hóa khác như âm nhạc, mỹ thuật, võ thuật và ngoại ngữ.

Khi có nhu cầu của học sinh, gia đình và giáo viên cũng mong muốn dạy thêm để có thêm thu nhập. Tôi cho rằng việc giáo viên chọn dạy thêm như một cách đi làm thêm là nguyện vọng chính đáng.

Sau thời gian dạy học trên lớp, giáo viên từ bỏ thời gian cho gia đình để bỏ công sức làm thêm công việc liên quan đến chuyên môn và mang lại lợi ích, tăng thêm thu nhập, không có gì sai trái cả", bà Thu nhìn nhận.

TIN LIÊN QUAN

Vì sao cấm công khai thông tin sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận?

Cũng theo bà Thu, điều quan trọng nhất cần chống là khía cạnh tiêu cực, lợi dụng để ép buộc học sinh học thêm, khi đó sẽ gây ra những tác động tiêu cực.

"Bản thân tôi không chấp nhận chuyện giáo viên ép buộc để dạy thêm và trục lợi từ dạy thêm.

Nhưng rõ ràng, chúng ta cần phải có một quy định làm sao để tổ chức các hoạt động này một cách chính thống như một loại hình dịch vụ khác và có nền nếp, có quy định. Nếu làm được như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực", đại biểu nêu ý kiến.

Từ đó, bà Thu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định "Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức" thành "Không tham gia dạy học thêm trái quy định của pháp luật".

Bởi quy định không ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức đã được quy định trước đến nay, song việc hạn chế dạy thêm, học thêm không đạt được hiệu quả.

Có rất nhiều hình thức không ép buộc nhưng học sinh vẫn phải học thêm bởi chương trình học hiện nay đang gây áp lực rất lớn cho học sinh, nhất là bậc tiểu học.

"Việc luật hóa cấm dạy thêm, học thêm tự phát là cần thiết. Bên cạnh đó, có thể quy định để giao Chính phủ hoặc Bộ GD&ĐT xây dựng bộ quy chế dạy thêm, học thêm theo hướng công khai như các trung tâm và xây dựng các quy chế đặc thù để hạn chế việc dạy thêm, học thêm tự phát tràn lan, tránh lãng phí, không cần thiết", đại biểu Thu nhấn mạnh.

Trước khi Quốc hội thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Theo ông Vinh, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định quyền của nhà giáo được dạy thêm; quy định rõ hơn việc cấm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức, không được dạy thêm đối với học sinh mình trực tiếp giảng dạy.

Song, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu của người học và người dạy. Dự thảo luật đã có quy định cấm việc ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Việc tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm cần được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm.

Cũng có ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định theo hướng nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức và không được thu tiền học thêm của học sinh, kể cả trường hợp học sinh tự nguyện đăng ký, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý kiến này là xác đáng.

Việc học thêm là nhu cầu có thật của người học, tuy nhiên, việc ép buộc học sinh phải học thêm là không phù hợp. Dự thảo Luật quy định việc cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức và Bộ GD&ĐT có trách nhiệm quy định cụ thể về vấn đề dạy thêm, học thêm.

Yến Chi

Trang Trần

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/chuyen-hoc-them-day-them-nong-nghi-truong-192250506104917849.htm