CII được Vietcombank cấp gần 7.000 tỷ đồng cho dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã CII) vừa công bố thông tin trên HoSE về việc được UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận thay đổi nhà tài trợ tín dụng cho dự án BOT cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Theo đó, Vietcombank sẽ là nhà tài trợ chính cho dự án, các đơn vị thành viên tiếp tục thực hiện các thủ tục để giải ngân toàn bộ hạn mức 6.924 tỷ đồng mà ngân hàng đã phê duyệt.

“Việc tài trợ số tiền 6.924 tỷ đồng của Vietcombank không những có giá trị về mặt kinh tế mà còn khẳng định khả năng hoàn vốn của các dự án BOT do CII quyết định đầu tư cũng như năng lực tài chính của đơn vị bảo lãnh (CII mẹ)”, công bố của CII nêu.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2023, CII đã phê duyệt cấp tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng của CII để tái cấu trúc dòng tiền của các dự án, với tổng hạn mức cấp tín dụng hơn 9.340 tỷ đồng. Trong đó, đối với CTCP Đầu tư Xây dựng xa lộ Hà Nội, tổng hạn mức cấp tín dụng gần 2.400 tỷ đồng, thời hạn vay là 7 năm nhưng không vượt quá ngày 26/11/2029.

Đối với CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, tổng hạn mức cấp tín dụng hơn 6.900 tỷ đồng, thời hạn vay 12 năm nhưng không vượt quá ngày 09/01/2035.

Với điểm yếu tỷ lệ nợ phải trả/vốn ở mức cao (gấp 2,2 lần tại thời điểm cuối quý 3/2023), CII đang nỗ lực cơ cấu lại nguồn vốn. Công ty đang triển khai việc phát hành lô trái phiếu chuyển đổi trị giá 2.840 tỷ đồng (hạn cuối đến ngày 26/1/2024). Đây là đợt phát hành nằm trong kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn của công ty, với tổng giá trị trái phiếu dự kiến huy động là gần 7.000 tỷ đồng.

Chia sẻ về vấn đề tái cơ cấu nguồn vốn để giảm phụ thuộc vào vốn vay tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 ngày 17/10 vừa qua, bà Nguyễn Quỳnh Hương - Phó tổng giám đốc CII cho biết, công ty sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu để tăng tỷ lệ vốn. Khi đó, cơ cấu vốn của công ty sẽ chuyển từ nợ vay thành vốn chủ sở hữu.

Theo bà Hương, lợi nhuận và doanh thu của các dự án mà CII đã triển khai rất rõ ràng và khả năng hoàn vốn cao. Do đó, thay vì đi thu phí và trả nợ cho ngân hàng, công ty có thể chuyển phần vốn đó thành vốn cổ phần bằng cách tăng vốn điều lệ thông qua phát hành trái phiếu cho cổ đông. Tiền thu được từ các dự án sẽ được dùng để trả cổ tức cho cổ đông hoặc trả trái tức cho cổ đông và trái chủ.

Tại thời điểm 30/9/2023, CII có tổng vay nợ gần 13.000 tỷ đồng, giảm 1.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong 9 tháng, công ty phải trả hơn 900 tỷ đồng tiền lãi vay.

Liên quan đến việc cơ cấu tài chính, CII vừa đăng ký bán nốt gần 8 triệu cổ phiếu CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water, mã SII) để giảm sở hữu từ 12,36% về còn 0% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 28/11 đến ngày 27/12/2023. Nếu tính theo giá giao dịch ngày 28/11 (16.400 đồng/cp), ước tính CII sẽ thu về số tiền khoảng 131 tỷ đồng.

Trước đó, từ ngày 6/6 đến ngày 5/7/2023, CII đã bán ra 24,6 triệu cổ phiếu SII trong tổng đăng ký 32,6 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu tại Saigon Water từ 50,62% về còn 12,36% vốn điều lệ.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cii-duoc-vietcombank-cap-gan-7000-ty-dong-cho-du-an-bot-trung-luong-my-thuan-post29579.html