CII tổ chức lại ĐHĐCĐ bất thường lần 2, vẫn nghiên cứu dự án BOT 75.000 tỷ dù nợ vay đã lên 13.000 tỷ
ĐHĐCĐ bất thường do CII tổ chức đã thất bại do không triệu tập đủ số lượng cổ phần tham gia biểu quyết. Đại hội lần 2 dự kiến sẽ tổ chức trong tháng 10 tới đây.
ĐHĐCĐ lần 2 của CII dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới đây
Vừa qua, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã CII) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2023. Tuy nhiên, do số lượng cổ đông tham dự chỉ đạt 31% lượng cổ phần biểu quyết nên đại hội đã không thể diễn ra thành công. Dự kiến CII sẽ phải tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần thứ 2 vào tháng 10 tới đây.
Việc triệu tập cổ đông tham dự đại hội đủ tỷ lệ biểu quyết theo quy định vốn từ lâu đã là vấn đề nan giải của CII. Nguyên nhân là bởi lượng cổ đông nhỏ lẻ quá lớn khiến số lượng cổ phần bị phân tán và khó triệu tập.
Vào tháng 4/2023 vừa qua, CII cũng đã phải tặng tiền cho cổ đông tham dự để thu hút đủ người tham gia đại hội nhưng cuối cùng vẫn thất bại và phải tổ chức đại hội cổ đông lần 2 trong tháng sau đó.
Với ĐHĐCĐ bất thường lần này, CII dự định công bố một số kế hoạch kinh doanh thời gian tới. Đáng chú ý trong đó là việc nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng vốn đầu tư lên tới 75.000 tỷ đồng.
Vay nợ 13.000 tỷ, lãi vay đè nặng, CII lấy đâu ra tiền để làm dự án BOT trị giá 75.000 tỷ?
Tuy rằng thông tin về việc CII nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng mức đầu tư tới 75.000 tỷ đồng đã được đưa ra từ trước nhưng giới đầu tư vẫn không khỏi hoài nghi về khả năng thực hiện của CII với loạt dự án này.
Cụ thể thì CII đang nghiên cứu thực hiện 6 dự án BOT bao gồm: Cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với 22.000 tỷ đồng; Nâng cao năng lực thông hành khu vực Tây Bắc TP HCM với 19.059 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An với 11.982 tỷ đồng; Dự án nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh với 10.108 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng trục Bắc Nam đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành với 6.625 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường Cao tốc TP HCM - Trung Lương với 5.048 tỷ đồng.
Phương án nghiên cứu các dự án này được đưa ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của CII đang nảy sinh nhiều vấn đề. Đáng chú ý trong đó là tình trạng nợ vay leo thang cùng với khoản lãi vay khổng lồ mà đơn vị này đang phải trả mỗi ngày.
Tính đến hết Quý 2, tổng tài sản của CII đạt 26.649,2 tỷ đồng, giảm khoảng 6,7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn đang chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng gia tăng từ 5.166,4 tỷ đồng lên 6.039,4 tỷ đồng. Có thể thấy rằng chỉ trong 6 tháng đầu năm, nợ vay ngắn hạn đã tăng 615,6 tỷ đồng.
Nợ vay dài hạn cũng đang chiếm tới 7.112,3 tỷ đồng trong cơ cấu nguồn vốn của CII. Tổng các khoản nợ vay của CII tính đến hết Quí 2/2023 là 13.151 tỷ đồng. So sánh với vốn chủ sở hữu thì có thể thấy rằng tổng các khoản nợ vay đang cao hơn 62,2% so với vốn chủ sở hữu.
Với lượng nợ vay khổng lồ lên tới hơn 13.000 tỷ nêu trên, hiện tại CII đang phải trả chi phí lãi vay trong Quý 2 là 363,3 tỷ đồng, tương đương với việc mỗi ngày đơn vị này phải trả 4 tỷ đồng lãi vay chưa kể các chi phí khác phát sinh thêm.
Nợ vay leo thang, chi phí lãi cũng đang là gánh nặng thì việc CII lấy đâu ra tiền để làm dự án BOT tổng mức đầu tư 75.000 tỷ thực sự là một dấu hỏi lớn.