Cơ chế nào thu hút tư nhân tham gia vào chuyển đổi giao thông xanh?

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Ngày 21/8, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư", nhằm kết nối các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia và doanh nghiệp để thảo luận các giải pháp phát triển giao thông xanh.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh. Thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 ngày 2/7/2022 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Chương trình hành động đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành giao thông vận tải quốc gia và giao thông đô thị gồm: phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hóa, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư chuyển đổi cơ sở hạ tầng xanh, chuyển đổi phương tiện xanh.

Để thực hiện cam kết đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050 cũng như mục tiêu cụ thể hơn cho ngành giao thông vận tải theo Quyết định 876 cần sự hỗ trợ rất lớn của quốc tế, không chỉ về vấn đề tài chính mà còn là kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi chính sách, từ đó áp dụng vào Việt Nam sao cho phù hợp với đặc thù trong nước và đặc thù của từng lĩnh vực ngành.

Theo kinh nghiệm quốc tế, Quyền giám đốc World Bank tại Việt Nam - Lào - Campuchia Kathleen WHIMP nhận định, việc Việt Nam đầu tư cho phát triển giao thông xanh, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị, triển khai dự án xây dựng tàu điện ngầm Metro tại Tp. Hồ Chí Minh hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi giao thông xanh, Việt Nam cần giải quyết các thách thức như thúc đẩy phê duyệt các dự án, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quốc tế, chuẩn bị ngân sách dài hạn do các dự án, nâng cao năng lực thể chế và hoàn thiện khung pháp lý.

Về định hướng phát triển kết cấu hạ thống giao thông đến năm 2030, tầm 2050, theo ông Lưu Quang Thìn, Vụ phó Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, mục tiêu đặt ra là phát triển hệ thống kết cấu hạ thống giao thông hợp lý, bảo đảm cân đối, hài hòa, tận dụng lợi thế của các phương thức vận tải, nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu khai mạc. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu khai mạc. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Riêng về huy động vốn đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải huy động mọi nguồn vốn từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với các ưu đãi đầu tư tối đa; tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế để đầu tư các công trình lớn có sức lan tỏa; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng nghiên cứu, xây dựng các cơ chế huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phù hợp với đặc thù từng chuyên ngành giao thông, có tính cạnh tranh quốc tế; xây dựng và công bố danh mục các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đề kêu gọi đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) và đầu tư nước ngoài giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030.

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu phát triển giao thông rất lớn; trong đó, hạ tầng mới đề cập trạm sạc, còn hạ tầng bến cảng, sân bay, đường sắt chưa nêu. Việc huy động nguồn lực để đưa về NetZero như cam kết là thách thức rất lớn, nhất là việc làm thế nào để thu hút nguồn lực.

"Bên cạnh nguồn lực rất lớn từ nhà nước là vốn mồi cho đầu tư phát triển hạ tầng, chúng ta cần huy động nguồn lực quốc tế. Đồng thời, có cơ chế thu hút tư nhân tham gia vào việc chuyển đổi giao thông xanh…, chỉ kết hợp các nguồn lực mới đạt được mục tiêu đề ra", ông Nguyễn Ngọc Đông nói.

Về phía Tổ chức JICA tại Việt Nam, Phó Trưởng đại diện Takebayashi Yoko đánh giá, giao thông công cộng là trọng tâm chính trong chuyển đổi xanh, JICA có hàng loạt dự án hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện giao thông công cộng, trang bị hệ thống kiểm đếm thông minh, tăng năng lực quản lý giao thông công cộng ở các thành phố lớn.

Tại Việt Nam, JICA cũng tích cực tham gia trong dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, không chỉ thông qua việc thi công mà còn cải thiện khả năng vận hành, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực nhân sự ngành đường sắt. Tổ chức này luôn sẵn sàng huy động các nguồn lực để phối hợp với Chính phủ và các đối tác để phát triển giao thông xanh tại Việt Nam.

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-che-nao-thu-hut-tu-nhan-tham-gia-vao-chuyen-doi-giao-thong-xanh/344402.html