Có cơ chế trả lương phù hợp để giữ chân, tuyển dụng người tài tại khu vực công
Trong bối cảnh đất nước đang cải cách mạnh mẽ để bước vào kỷ nguyên mới, chúng ta rất cần nguồn lực công chức, viên chức chất lượng. Tuy nhiên, việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, chưa có bước đột phá, mà một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ các chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ.
Trên thực tế, lương của công chức nhà nước không hấp dẫn như khu vực tư nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực yêu cầu kỹ năng cao, đất nước rất cần người tài trong thời gian sắp tới như: công nghệ thông tin, tài chính, quản lý, y tế... Bên cạnh đó, hệ thống tiền lương, phụ cấp trong khu vực công ở Việt Nam chủ yếu dựa trên thâm niên và chức vụ, không đưa ra nhiều sự khuyến khích dựa trên hiệu quả công việc và thành tích cá nhân. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu động lực làm việc và khó khăn trong thu hút những người trẻ tài năng, những người có thể đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền hành chính công.
Mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên nêu ra thực trạng đã có nhiều trường hợp cơ quan nhà nước thu hút được người tài nhưng không bố trí được công việc hay bố trí không phù hợp, đãi ngộ không tương xứng nên nhân sự lại bỏ đi.

Mức đãi ngộ tương xứng mới có thể thu hút nhân tài, nâng cao sức cạnh tranh của khu vực công
"Chúng ta không thể kéo một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hay một nhà khoa học trẻ từ nước ngoài về bằng một mức lương khởi điểm hệ số 2,34. Chúng ta cũng không thể yêu cầu một chuyên gia giỏi từ một doanh nghiệp chuyển qua khu vực nhà nước phải có đầy đủ các quy trình, thủ tục mới có thể bổ nhiệm làm quản lý", vị đại biểu cho hay.
Trước đó, hồi tháng 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cũng đưa ra vấn đề này tại một buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, để thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi, phải có cơ chế trả lương như tư nhân và giao quyền tự quyết cho doanh nghiệp. Để có kỹ sư giỏi làm việc, doanh nghiệp tư nhân phải trả lương 100 triệu đồng mỗi tháng, trong khi khối nhà nước chỉ trả lương 10 triệu đồng thì không thể thu hút nhân tài được.
Bên cạnh khó tuyển dụng nhân sự tốt, việc không có đãi ngộ tương xứng cũng là nguyên nhân khiến không ít người nghỉ việc, từ bỏ khu vực công. Một thống kê đáng chú ý của UBND TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ ngày 1/1/2020 đến 30/4/2023, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 9.470 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhiều nhất là ở lĩnh vực giáo dục (3.626 trường hợp) và y tế (3.708 trường hợp). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu cũng tại do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là sớm đưa ra cơ chế về thù lao, mức lương phù hợp để ngăn ngừa tình trạng nhân tài rời bỏ cơ quan nhà nước.
Trước yêu cầu mới của đất nước trong thời gian tới, hiện Bộ Nội vụ đang gấp rút nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương và tiến tới trả lương theo vị trí việc làm gắn với kết quả đánh giá theo sản phẩm đầu ra theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Chính sách tiền lương gắn với vị trí việc làm và kết quả công việc này sẽ có cơ chế tham chiếu mức lương của khu vực tư nhân cho các vị trí tương đương. Mục tiêu là để công chức yên tâm công tác, hạn chế tiêu cực, chảy máu chất xám, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút nhân tài. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia đã chứng minh hiệu quả của cách tiếp cận này. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng rà soát hệ thống thể chế chính sách, điều chỉnh, bổ sung, đổi mới hơn nữa tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch; bố trí cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm khách quan; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài.
Không ít chuyên gia đồng tình với việc sớm cần sớm ban hành cơ chế trả lương theo vị trí việc làm gắn với kết quả đánh giá đầu ra. Điều này sẽ góp phần động lực cho người lao động nâng cao năng suất làm việc, chất lượng công việc, đảm bảo công khai, minh bạch trong công việc. Cơ chế này cũng tạo điều kiện, khuyến khích người tài có cơ hội phát triển và được hưởng mức đãi ngộ xứng đáng.