Cơ hội Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế
Khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) chiếm 45 - 50% hàng hóa xuất nhập khẩu và chiếm tới 70% tổng lượng hàng container của cả nước. Trong quy hoạch mới nhất được phê duyệt, cảng Cái Mép - Thị Vải có nhiều cơ hội để trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Tầm nhìn quy hoạch
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển mạnh kinh tế biển và hình thành các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp, dịch vụ, đô thị.
Đáng chú ý, là địa phương có cảng biển được xếp hạng cảng đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Thị Vải - Cái Mép thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Đồng thời, hình thành 7 trung tâm logistics cấp quốc gia, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.
Trong phương hướng phát triển ngành dịch vụ hàng hải và logistics, sẽ khai thác vai trò hệ thống cảng đặc biệt quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải sẽ gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - TP Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển chủ yếu của khu vực Đông Nam Bộ. Đồng thời quy hoạch xây dựng trung tâm logistics Cái Mép Hạ đạt tầm quốc gia và quốc tế, đảm nhận chức năng phân phối hàng hóa của khu vực; Liên kết chặt chẽ giữa hệ thống cảng biển quốc gia loại đặc biệt với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được phát triển với quy mô, chức năng cảng đặc biệt, bao gồm các khu bến: Cái Mép, Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình, Bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, Long Sơn, sông Dinh, Côn Đảo và các bến cảng dầu khí ngoài khơi. Phạm vi quy hoạch, chức năng, cỡ tàu được định hướng thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh phát triển hệ thống cảng biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của hệ thống cảng biển với các cụm cảng cạn trong hành lang vận tải TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, gồm Cụm cảng cạn Mỹ Xuân, cụm cảng Phú Mỹ - Phước Hòa, cảng cạn Phú Mỹ (Khu công nghiệp Phú Mỹ III), cảng cạn Phước Hòa (cảng cạn Cái Mép).
Cảng cạn Phước Hòa có phương thức kết nối đa dạng với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường thủy nối với kênh Rạch Ông và luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải. Ngoài ra, cảng cạn cũng kết nối với ga cuối đường sắt khu vực Cái Mép (theo quy hoạch). Tới năm 2030, cảng cạn có tổng diện tích từ 15 - 20ha và năng lực thông qua đạt 150.000 - 200.000 Teu/năm.
Hàng hóa thông quan ngày càng tăng
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải chiếm 45 - 50% hàng hóa xuất nhập khẩu và chiếm tới 70% tổng lượng hàng container của cả nước. Trong 5 năm qua, mỗi năm, khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải đón tàu có kích cỡ ngày càng lớn. Tổng số lượt tàu có trọng tải lớn trên 80.000 tấn ra vào cảng biển Cái Mép - Thị Vải từ năm 2017 đến nay có sự gia tăng, từ 1.524 lượt (năm 2017) đã tăng lên 1.644 lượt (năm 2022); Khu bến Cái Mép có số lượng tuyến dịch vụ tàu mẹ đi châu Mỹ và châu Âu lớn hơn hẳn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia và Singapore.
Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, hiện nay, Việt Nam đã thiết lập được 25 tuyến vận tải biển đi Mỹ. Trong đó có tới 22 trong số 25 tuyến này xuất phát từ Cái Mép - Thị Vải. Ngoài ra, tại khu vực này cũng có 2 tuyến xuất phát đi châu Âu và 10 tuyến đi Nội Á. Con số này đã tăng khoảng 3 lần so với năm 2018 (năm 2018, có 8 tuyến đi châu Mỹ và châu Âu).
Theo ông Lê Đỗ Mười - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, trên tuyến luồng vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có khúc cua, cần phải cải tạo để tăng năng lực khai thác tuyến luồng. Trong khi đó, nguồn vốn cho duy tu, nạo vét hạn hẹp, chỗ đổ chất nạo vét, thanh thải gặp nhiều khó khăn.
Được biết, để giải quyết “điểm nghẽn” này, hiện có hai phương pháp đổ thanh thải là đổ nhấn chìm ngoài biển và đổ lên bờ tận dụng san lấp. Với phương thức thứ hai, đến nay đã có đơn vị áp dụng được công nghệ trộn chất phụ gia để làm vật liệu san lấp. Cục Hàng hải Việt Nam đang nghiên cứu giải pháp phù hợp để xử lí vướng mắc này.