Cơ hội mới cho doanh nghiệp từ chính quyền địa phương hai cấp
Việc tổ chức lại đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy và chuyển sang chính quyền hai cấp đang mở ra cơ hội mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, mạnh dạn mở rộng đầu tư…
Cơ hội cho doanh nghiệp
Tinh gọn bộ máy hành chính sau chủ trương tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện đang từng bước mang lại hiệu quả rõ nét trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, việc chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh - xã) còn mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng đầu tư, khai thác thị trường và tối ưu vận hành.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của BestPrice Travel chia sẻ, từ góc nhìn của một doanh nghiệp lữ hành, những thay đổi về bộ máy chính quyền thể hiện qua quy trình thủ tục hành chính trở nên rõ ràng và nhanh chóng hơn, giảm tầng nấc trung gian.
“Việc phối hợp tổ chức tour, sự kiện, xúc tiến du lịch sẽ diễn ra đúng tiến độ và hiệu quả hơn là điều chúng tôi kỳ vọng. Đây điều rất quan trọng trong bối cảnh ngành du lịch đang đối mặt với áp lực cạnh tranh cao”, ông Tú nhấn mạnh.
Quan trọng hơn, chính quyền hai cấp không chỉ giúp tăng tốc quy trình, mà còn tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong việc mở rộng đầu tư tại các địa phương từng bị phân mảnh về du lịch.
“Trước kia, Hà Nam hay Nam Định là những địa phương chưa khai thác hết tiềm năng. Nhưng nay, sau khi sáp nhập với Ninh Bình, chúng ta có thể hình thành các cụm liên kết như Tam Chúc - Bái Đính, hoặc tuyến hành hương Công giáo từ Nam Định đến Phát Diệm”, ông Tú ví dụ.

Doanh nghiệp đang nhận thấy những chuyển biến tích cực từ chính quyền địa phương hai cấp.
Không riêng ngành du lịch, các doanh nghiệp sản xuất - thương mại cũng đang cảm nhận những chuyển biến tích cực trong cách thức điều hành từ chính quyền cơ sở.
Bà Mai Đỗ Thùy Dung, CEO của AKA Furniture - đơn vị sở hữu các chuỗi thương hiệu nội thất như Nhà Xinh, BoConcept đánh giá, việc tinh giản bộ máy giúp các phòng ban địa phương trở nên chủ động và linh hoạt hơn trong hướng dẫn thủ tục, giảm tình trạng chồng chéo từng tồn tại giữa các cấp quận/huyện và sở, ngành.
“Khi chúng tôi hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh thiết kế tại một showroom gần đây, các thủ tục xin ý kiến cơ quan liên quan được xử lý thông suốt và nhanh chóng hơn trước rất nhiều”, bà Dung dẫn chứng.
Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để tái cơ cấu nội bộ, tối ưu chuỗi cung ứng và nâng cấp trải nghiệm khách hàng, những yếu tố sống còn trong ngành bán lẻ nội thất.
Thúc đẩy dòng vốn đầu tư mới
Chính quyền hai cấp không chỉ là thay đổi cơ học về mô hình, mà đang tạo ra sự chuyển biến về tư duy và cách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đầu tư dự án.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên nhận định: “Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính được rút ngắn rõ rệt. Một số hồ sơ có thể nộp trực tuyến, hoặc xin phép ngay tại cấp xã nếu đủ thẩm quyền”.

Chính quyền địa phương hai cấp là nền tảng thúc đẩy dòng vốn đầu tư trong nước, gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, ông Vũ cũng thẳng thắn nêu lên một điểm cần lưu ý: “Chúng tôi kỳ vọng cấp xã trong mô hình chính quyền hai cấp được phân quyền thực chất hơn để có thể quyết định một số dự án quan trọng, thay vì tiếp tục duy trì thói quen “xin ý kiến lên trên” rồi mới phản hồi cho doanh nghiệp”.
Theo ông Vũ, nếu cấp xã mạnh dạn, linh hoạt và được đào tạo bài bản, đây sẽ là bước đột phá thực sự trong cải cách hành chính.
Hiện tại, Tập đoàn Xuân Nguyên đang triển khai dự án Làng văn hóa ASEAN+ tại Vĩnh Long (địa bàn tỉnh Bến Tre trước khi sáp nhập). Với tổng mức đầu tư hạ tầng ban đầu khoảng 100 tỷ đồng, đây là tổ hợp văn hóa, nghỉ dưỡng hướng đến phát triển du lịch cộng đồng. Dù được sự hỗ trợ tốt từ chính quyền các cấp, ông Vũ vẫn mong muốn chính quyền sau sáp nhập tiếp tục duy trì tinh thần đồng hành, để dự án được triển khai nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Góc nhìn từ AKA Furniture cũng cho thấy kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp về một chính quyền địa phương “thân thiện với doanh nghiệp”, nhất quán trong thực thi chính sách và tăng cường ứng dụng công nghệ vào xử lý thủ tục.
“Chúng tôi kỳ vọng có một đầu mối xử lý xuyên suốt cho từng loại thủ tục và nhiều hơn các kênh đối thoại định kỳ với doanh nghiệp”, bà Dung đề xuất.
Những chia sẻ từ doanh nghiệp cho thấy, mô hình chính quyền hai cấp, nếu được vận hành linh hoạt, sẽ không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn tạo môi trường kinh doanh minh bạch, nhanh nhạy và thực chất hơn. Đó là nền tảng để thúc đẩy dòng vốn đầu tư trong nước, gia tăng năng lực cạnh tranh và giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng chiến lược kinh doanh bền vững.