Có loại thực phẩm chức năng nào làm 'sạch máu' được không?

Tôi bị huyết áp cao (trung bình 150/90, nhịp tim cao trung bình 95) kết quả khám bệnh là rối loạn nhịp tim, xơ vữa mạch vành, mỡ máu. Hiện tại, tôi đã uống thuốc được 2 tháng (tôi có hút thuốc, uống rượu bia, thừa cân). Tôi muốn bổ sung thực phẩm chức năng nào để làm sạch máu vì gốc rễ vẫn là do mỡ máu mà ra. Xin bác sĩ tư vấn giúp, chân thành cảm ơn!

Tôi bị huyết áp cao (trung bình 150/90, nhịp tim cao trung bình 95) kết quả khám bệnh là rối loạn nhịp tim, xơ vữa mạch vành, mỡ máu. Hiện tại, tôi đã uống thuốc được 2 tháng (tôi có hút thuốc, uống rượu bia, thừa cân). Tôi muốn bổ sung thực phẩm chức năng nào để làm sạch máu vì gốc rễ vẫn là do mỡ máu mà ra. Xin bác sĩ tư vấn giúp, chân thành cảm ơn!

(Anh Huy, 41 tuổi, ngụ phường Long Bình)

Bác sĩ trả lời:

Chào anh Huy!

Với tình trạng của anh, điều trị rối loạn lipid máu (mỡ máu cao) là rất quan trọng để phòng ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Ngoài việc duy trì điều trị thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thay đổi lối sống tích cực (ngưng thuốc lá, giảm rượu bia, ăn uống lành mạnh, tập luyện đều đặn), anh có thể cân nhắc sử dụng thêm một số sản phẩm hỗ trợ.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Omega-3 triglyceride giàu EPA được ghi nhận là một trong những thực phẩm hỗ trợ hiệu quả cho người rối loạn lipid máu và xơ vữa động mạch. EPA (Eicosapentaenoic Acid) là một acid béo Omega-3 có tác dụng:

Giảm triglyceride máu một cách rõ rệt.
Ổn định mảng xơ vữa động mạch, làm giảm nguy cơ vỡ mảng xơ vữa gây biến cố tim mạch.
Chống viêm, cải thiện chức năng nội mạc mạch máu, hỗ trợ giảm nhẹ nguy cơ rối loạn nhịp tim.

Các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung Omega-3 triglyceride giàu EPA có thể giúp kiểm soát hiệu quả tình trạng mỡ máu cao, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Tuy nhiên, cần lưu ý: Omega-3 không thay thế thuốc điều trị statin hay các thuốc hạ mỡ máu chính.

Trước khi sử dụng, anh cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị, đặc biệt trong trường hợp đang dùng nhiều loại thuốc tim mạch, để tránh tương tác bất lợi. Liều lượng và dạng bào chế (ví dụ, Omega-3 triglyceride dạng tự nhiên, tinh khiết) cũng cần được lựa chọn phù hợp.

Quan trọng nhất, song song với bổ sung hỗ trợ, anh cần tập trung vào điều trị tích cực rối loạn lipid máu bằng thuốc; kiểm soát huyết áp và nhịp tim ổn định; thay đổi lối sống toàn diện, ngưng hoàn toàn thuốc lá, hạn chế tối đa rượu bia và giảm cân.

Chúc anh kiên trì điều trị, sớm cải thiện sức khỏe và phòng ngừa được các biến chứng tim mạch nguy hiểm!

Thạc sĩ - bác sĩ Quản Minh Trị,

Khoa Lồng ngực - mạch máu, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202505/co-loai-thuc-pham-chuc-nang-nao-lam-sach-mau-duoc-khong-04d3948/