Cỗ máy kiếm tiền của Nga đang gặp trục trặc

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga lao dốc từ 5% xuống gần 0%, khi chi tiêu quân sự tăng, lạm phát tăng và giá dầu rơi mạnh.

Từ Kaliningrad đến Vladivostok, một sự thay đổi rõ rệt đang diễn ra. Theo chỉ số tần suất cao do Goldman Sachs, một ngân hàng lớn, công bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Nga đã lao dốc từ khoảng 5% xuống gần mức zero kể từ cuối năm ngoái.

Đồng hồ đo chỉ số đường ống dầu. Ảnh: Getty

Đồng hồ đo chỉ số đường ống dầu. Ảnh: Getty

Ngân hàng Phát triển Nga VEB cũng ghi nhận xu hướng tương tự trong báo cáo tăng trưởng hàng tháng. Sberbank, ngân hàng lớn nhất nước này, cho biết doanh thu kinh doanh theo thước đo tần suất cao đã sụt giảm. Dù thận trọng, chính phủ Nga cũng thừa nhận tình hình có điều bất thường.

Đầu tháng Tư, Ngân hàng Trung ương Nga chỉ ra rằng một số ngành công nghiệp gần đây ghi nhận sản lượng giảm do nhu cầu lao dốc mạnh.

Những lo ngại này đến sau ba năm nền kinh tế Nga vượt xa hầu hết dự báo. Thành tựu ấy đến từ sự kết hợp giữa chi tiêu tài chính mạnh tay, giá hàng hóa tăng cao và quá trình quân sự hóa kinh tế. Sau cuộc xung đột toàn diện tại Ukraine năm 2022, các nhà kinh tế từng dự đoán GDP hàng năm của Nga có thể giảm tới 15%.

Thế nhưng, thực tế GDP chỉ giảm 1,4% trong năm đó, trước khi bật tăng 4,1% vào năm 2023 và 4,3% vào năm 2024. Niềm tin của người tiêu dùng cũng tiến gần mức cao kỷ lục.

Khi có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đáp ứng những gì Tổng thống Vladimir Putin kỳ vọng để chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhiều người từng tin rằng kinh tế Nga sẽ tăng tốc mạnh hơn vào năm 2025.

Nguyên nhân nào dẫn đến sự giảm tốc đột ngột?

Ba yếu tố chính được chỉ ra để lý giải tình trạng này. Trước hết là điều mà Ngân hàng Trung ương Nga gọi bằng cái tên mỹ miều: “chuyển đổi cơ cấu” kinh tế. Từ chỗ hướng về phương Tây và chấp nhận doanh nghiệp tư nhân trong một chừng mực nhất định, Nga đã chuyển mình thành nền kinh tế chiến tranh, xoay trục sang phương Đông kể từ năm 2022.

Quá trình này đòi hỏi nguồn đầu tư khổng lồ, không chỉ cho các nhà máy sản xuất vũ khí, đạn dược mà còn cho việc xây dựng chuỗi cung ứng mới, tăng cường giao thương với Trung Quốc, Ấn Độ và thúc đẩy sản xuất nội địa. Đến giữa năm 2024, chi tiêu thực tế cho vốn cố định đã tăng 23% so với cuối năm 2021.

Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định quá trình điều chỉnh ấy giờ đã hoàn tất. Chi tiêu quân sự cũng đi theo xu hướng tương tự. Theo ước tính của Julian Cooper từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự năm nay chỉ tăng 3,4% theo giá trị thực, giảm mạnh so với mức tăng 53% của năm trước.

Việc giảm chi cho “chuyển đổi cơ cấu” dẫn đến tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, điều này dường như không khiến Tổng thống Vladimir Putin lo ngại, nếu nó mở ra cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả hơn. Ông từng phát biểu vào tháng Mười Hai: “Nghe có vẻ lạ, nhưng với thực tế kinh tế vĩ mô hiện tại, chúng ta chưa cần mức tăng trưởng như trước”.

Yếu tố thứ hai là chính sách tiền tệ. Lạm phát tại Nga đã vượt xa mục tiêu 4% mỗi năm của Ngân hàng Trung ương trong nhiều tháng, thậm chí chạm mức trên 10% vào tháng Hai và tháng Ba. Nguyên nhân một phần đến từ chi tiêu quân sự lớn, nhưng thiếu hụt lao động do tuyển quân và sự di cư của lực lượng lao động tay nghề cao cũng góp phần không nhỏ.

Năm ngoái, tiền lương danh nghĩa tăng 18%, buộc các doanh nghiệp phải nâng giá bán. Để đối phó, Ngân hàng Trung ương Nga siết chặt chính sách. Ngày 25 tháng Tư, cơ quan này quyết định giữ lãi suất cơ bản ở mức 21%, cao nhất kể từ đầu những năm 2000.

Chính sách cứng rắn này dường như đang mang lại kết quả. Lãi suất cao khuyến khích dòng vốn đổ vào đồng rúp, giúp đồng tiền này mạnh lên và khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn. Kỳ vọng lạm phát của người dân Nga trong 12 tháng tới đã giảm từ mức đỉnh 14% xuống còn khoảng 13%.

Dữ liệu tần suất cao cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt dần. Tuy nhiên, cái giá phải trả là tăng trưởng kinh tế chậm lại. Người dân Nga chuyển sang gửi tiết kiệm thay vì chi tiêu, trong khi lãi suất cao khiến đầu tư vốn trở nên kém hấp dẫn.

Tác động từ bên ngoài

Nếu câu chuyện chỉ dừng ở đó, có lẽ Tổng thống Vladimir Putin vẫn cảm thấy hài lòng. Với chính phủ Nga, một sự giảm tốc nhẹ và từ từ có thể là điều chấp nhận được để kiềm chế lạm phát. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ sự giảm tốc này không hề nhẹ nhàng hay từ từ. Trong vài tuần gần đây, một yếu tố thứ ba đã vượt lên chi phối mọi thứ: điều kiện bên ngoài xấu đi.

Cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động leo thang khiến dự báo tăng trưởng toàn cầu sụt giảm, kéo theo giá dầu lao dốc. Các nhà kinh tế đặc biệt lo ngại về Trung Quốc, thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất của Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2025 từ 4,6% xuống còn 4%.

Giá dầu giảm đang đẩy Nga vào nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng nặng nề, khi các công ty dầu mỏ chiếm tới 25% vốn hóa. Chỉ số MOEX, theo dõi giá cổ phiếu của khoảng 50 doanh nghiệp niêm yết hàng đầu, đã giảm 10% so với đỉnh gần đây.

Doanh thu xuất khẩu sụt giảm, giá dầu trượt dốc tác động trực tiếp đến nền kinh tế thực của Nga. Ngân sách chính phủ bắt đầu chịu áp lực khi doanh thu thuế từ dầu khí trong tháng Ba giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 22 tháng Tư, Reuters dẫn tài liệu chính thức cho biết chính phủ Nga dự kiến doanh số bán dầu và khí đốt sẽ giảm mạnh trong năm nay. Dù Tổng thống Donald Trump có thể thiện chí với Tổng thống Vladimir Putin, cuộc chiến thương mại ông khởi xướng đã vô tình tạo ra thách thức lớn cho Nga.

Dũng Phan (Theo Economist)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-may-kiem-tien-cua-nga-dang-gap-truc-trac-10288687.html